Cảnh báo mạo danh bệnh viện để trục lợi

27/04 06:00
 

Tình trạng mạo danh thương hiệu bệnh viện, sử dụng giấy tờ giả mạo để kêu gọi chuyển tiền ủng hộ từ thiện... diễn ra với thủ đoạn ngày càng...

Tình trạng mạo danh thương hiệu bệnh viện, sử dụng giấy tờ giả mạo để kêu gọi chuyển tiền ủng hộ từ thiện... diễn ra với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng tới uy tín của các bệnh viện mà còn khiến nhiều người dân rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Muôn kiểu... mạo danh

Ngày 26.4, thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện đã phát hiện một trường hợp giả mạo chữ ký của lãnh đạo và con dấu của bệnh viện.

Một tài khoản mạng xã hội đã đăng thông tin sai sự thật trên các hội, nhóm và các trang mạng xã hội với nội dung rất bi thương về việc con mình bị bệnh nặng nhằm trục lợi từ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm với nội dung: “Có bệnh nhi Nguyễn Đình Khải, sinh ngày 7.2.2023, ở xã Tây Lương, huyện Tiền Hải, Thái Bình, bị ung thư phổi chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị được hơn nửa tháng nay và hiện tại đang trong tình trạng suy hô hấp nặng, nhiễm trùng máu và phải thở máy điều trị kháng sinh,...”.

Ngay sau khi phát hiện bài đăng Facebook nói trên, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành rà soát, xác minh, tuy nhiên, không có bệnh nhi nào như phản ánh và toàn bộ giấy chứng nhận điều trị được đăng tải là giấy giả mạo.

Ngoài ra, đối tượng lừa đảo này còn mạo danh cả con dấu của bệnh viện và chữ ký của lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương để làm tăng độ uy tín và tin cậy của người dân.

Cũng trong tháng 4, tại Bệnh viện Bạch Mai một số đối tượng giả danh, mạo danh công tác tại Trung tâm Nhi đi xin từ thiện. Những đối tượng này đeo biển “Từ thiện - khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai” ở ngực đứng ở những điểm giao thông lợi dụng lòng từ bi và sự tốt bụng của người khác để trục lợi.

Đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bệnh viện không có sự kêu gọi mang tính chất cá nhân như những bức hình đang được lan truyền.

Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng rơi vào hoàn cảnh bị giả mạo. Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều fanpage mạo danh, sử dụng tên các bác sĩ của Bệnh viện Nội tiết Trung ương để lừa đảo.

Các đối tượng này lập lên các trang Facebook, Fanpage, TikTok… giả mạo là nhân viên y tế, đội ngũ chuyên gia, thậm chí lợi dụng danh tiếng của các lãnh đạo Bệnh viện Nội tiết Trung ương để lừa đảo.

Với nhiều thủ đoạn tinh vi, các trang giả mạo này đã thực hiện tư vấn, khám bệnh trực tuyến, giới thiệu bán thuốc điều trị bệnh đái tháo đường (tiểu đường), bệnh tuyến giáp, mồ hôi tay chân... và các bệnh nội tiết khác nhằm trục lợi từ người bệnh.

Nhiều đối tượng còn ngang nhiên trà trộn trực tiếp đóng giả làm người bệnh và người nhà bệnh nhân bắt chuyện với bệnh nhân thật để bán nhiều loại nhân sâm, tam thất không rõ nguồn gốc với giá cao lên tới từ 3-5 triệu/liệu trình điều trị.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phải đưa ra cảnh báo tình trạng trên để người dân tránh bị mắc bẫy.

Chưa thể triệt tận gốc

PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh việnh Nhi Trung ương khuyến cáo, người dân và các nhà hảo tâm cần thận trọng trong tìm hiểu, xác minh, kiểm chứng kỹ nội dung thông tin để hỗ trợ đúng người.

Theo TS Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thủ đoạn của các đối tượng là livestream mặc quân phục, mặc áo bác sĩ, giới thiệu đã điều trị khỏi cho rất nhiều bệnh nhân, đưa ra bằng chứng giả mạo để người dân tin.

Vì tin vào đối tượng giả mạo, nhiều người tiêu dùng đã phải chi khoản tiền rất lớn, đến hàng trăm triệu đồng để mua thực phẩm chức năng, có người ngoài khả năng chi trả phải vay mượn. Bên cạnh thiệt hại về kinh tế thì thiệt hại về sức khỏe và tính mạng là vô cùng nguy hiểm.

Đọc bài gốc tại đây.