Tiêu thụ thường xuyên đồ uống ngọt, nước giải khát có đường làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, đái tháo đường, tim mạch và các bệnh rối loạn chuyển hóa.
Dịp Tết, nhiều gia đình sử dụng bia, rượu, nước ngọt trong bữa ăn và đãi khách, đặc biệt trẻ em thường uống quá nhiều đồ uống chứa đường cao. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo đây là nguyên nhân chính gây các bệnh không lây nhiễm.
PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết đồ uống ngọt chứa năng lượng rỗng, dễ gây thừa cân, béo phì do cơ thể hấp thụ lượng calo lớn từ đường lỏng nhưng thiếu dinh dưỡng cần thiết. Người lớn uống một lon nước ngọt mỗi ngày trong một năm có thể tăng 6,75 kg, còn trẻ em uống thường xuyên có nguy cơ béo phì cao gấp 2,57 lần so với trẻ không uống.
Đồ uống có đường còn làm tăng nguy cơ đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh tiêu hóa, răng miệng... Đường lỏng trong các sản phẩm này ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, insulin, cholesterol, gây viêm nhiễm và huyết áp cao. Nghiên cứu cho thấy người uống từ 1 lon nước ngọt/ngày có nguy cơ mắc tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường cao hơn 25-32% và hội chứng chuyển hóa cao hơn 45%.
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, trung bình người Việt tiêu thụ 46,5g đường tự do/ngày, gần chạm mức tối đa 50g/ngày và cao gần gấp đôi mức khuyến nghị của WHO là dưới 25g/ngày.
PGS.TS Mai khuyến cáo cộng đồng cần chọn đồ uống lành mạnh. WHO cũng đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với đồ uống có đường để giảm tiêu thụ, cải thiện sức khỏe cộng đồng, tăng thu ngân sách và giảm chi phí y tế. Hiện 117 quốc gia đã áp thuế này, trong đó 104 quốc gia áp dụng trên toàn quốc.
Tại Việt Nam, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo thuế TTĐB với đồ uống có đường. WHO khuyến nghị tăng thuế suất TTĐB lên 40% giá xuất xưởng đến năm 2030, giúp giá bán lẻ tăng 20% (theo giá thực đã tính đến lạm phát), từ đó giảm khả năng chi trả và tiêu thụ.
Theo WHO, tăng 10% giá đồ uống có đường có thể giảm 10-11% mức tiêu thụ, góp phần ngăn ngừa sâu răng, béo phì, tiểu đường và các bệnh không lây nhiễm khác.
Lê Nga
Đọc bài gốc tại đây.