Do dự tiêm vaccine - lỗ hổng trong hàng rào phòng dịch

06/04 17:45
 

Bé gái 4 tuổi ở Hà Nội tử vong vì biến chứng sởi khi chưa tiêm bất kỳ vaccine nào, cảnh báo nguy cơ từ việc do dự tiêm chủng...

Bé gái 4 tuổi ở Hà Nội tử vong vì biến chứng sởi khi chưa tiêm bất kỳ vaccine nào, cảnh báo nguy cơ từ việc do dự tiêm chủng ở trẻ em.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho một bé gái 4 tuổi, là con thứ ba trong gia đình có ba con ở Hà Nội được đưa đến cấp cứu trong tình trạng khó thở, tím tái. Qua thăm khám và xét nghiệm, các bác sĩ xác định trẻ mắc sởi biến chứng nặng, tổn thương phổi nghiêm trọng dẫn đến hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, kèm theo phản ứng viêm toàn thân dữ dội, suy gan, thận và tuần hoàn.

Ngay lập tức, các bác sĩ đã thực hiện các biện pháp hồi sức tích cực, lọc máu và sử dụng hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO). Tuy nhiên, do bệnh quá nặng, bé không qua khỏi.

Khi tìm hiểu tiền sử tiêm chủng, các bác sĩ phát hiện: Suốt 4 năm, bé chỉ được tiêm duy nhất mũi vaccine viêm gan B sơ sinh và một mũi BCG. Các mũi vaccine thiết yếu, trong đó có vaccine sởi, đều chưa được tiêm. Những đứa trẻ còn lại trong gia đình cũng có tình trạng tương tự. Các bác sĩ nghi ngờ gia đình thuộc nhóm do dự hoặc chống đối tiêm chủng.

Khi sự do dự với vaccine trở thành hiểm họa sức khỏe cộng đồng

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), do dự vaccine là tình trạng chần chừ hoặc từ chối tiêm dù vaccine sẵn có. Đây được xem là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu với sức khỏe toàn cầu.

Nguyên nhân của sự do dự này rất đa dạng: Từ thiếu hiểu biết, lo sợ tác dụng phụ, cho đến tâm lý chủ quan cho rằng bệnh đã "tuyệt chủng", hoặc bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Niềm tin mù quáng vào “sức đề kháng tự nhiên” hay các lý do tôn giáo, văn hóa cũng góp phần củng cố thái độ này.

Hệ quả là những đứa trẻ chưa được tiêm chủng có nguy cơ mắc bệnh cao, dễ chuyển nặng, thậm chí tử vong. Về lâu dài, cộng đồng sẽ phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch, quá tải y tế và tổn thất nhân mạng.

Nếu do dự tiêm chủng còn có thể thay đổi bằng giáo dục, thì chống đối vaccine là biểu hiện cực đoan hơn. Chống đối vaccine là “mồi lửa” gián tiếp khiến dịch bệnh quay lại, dù đã từng được khống chế.

Thực trạng đáng lo và lời cảnh báo rõ ràng

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ghi nhận, hơn 67 triệu trẻ em trên toàn cầu đã bỏ lỡ tiêm chủng trong đại dịch COVID-19. Tại Mỹ, tỉ lệ miễn trừ vaccine tăng gần gấp đôi trong 15 năm.

Đối mặt với “dịch” do dự và chống vaccine, cần hành động quyết liệt:

Truyền thông chính xác, dễ hiểu và nhân văn để giúp người dân hiểu rõ về lợi ích và độ an toàn của vaccine.

Tăng cường vai trò của nhân viên y tế, bởi họ là người có ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định tiêm chủng.

Kiểm soát thông tin sai lệch trên mạng, kết hợp với các nền tảng số để hạn chế lan truyền tin giả.

Huy động sự chung tay của toàn xã hội, từ gia đình, nhà trường, truyền thông đến cơ quan y tế.

Không ai có quyền để trẻ em phải chịu hậu quả từ sự lựa chọn sai lầm của người lớn. Do dự hay chống đối vaccine không chỉ là quan điểm cá nhân. Đó là sự sao nhãng đối với quyền được bảo vệ sức khỏe của trẻ em, và là mối đe dọa với cả cộng đồng.

Đọc bài gốc tại đây.