Căng thẳng mạn tính có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của bạn.
Căng thẳng mạn tính có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của bạn.
Căng thẳng là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống, tuy nhiên, căng thẳng mạn tính có thể gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe của chúng ta, đặc biệt là hệ thống miễn dịch.
Theo Tiến sĩ Priyanka Kapoor, Nhà trị liệu tâm lý, Nhà tâm lý học, Cố vấn hôn nhân và gia đình (Ấn Độ), căng thẳng kéo dài sẽ làm suy yếu chức năng của tế bào miễn dịch, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và các bệnh tự miễn. Dưới đây là những thông tin chi tiết về cách căng thẳng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và cách bảo vệ sức khỏe của mình.
Căng thẳng và hệ thống miễn dịch
Khi cơ thể chịu căng thẳng, các hormone như cortisol và adrenaline được giải phóng, giúp cơ thể đối phó với các mối đe dọa ngắn hạn. Trong những tình huống này, căng thẳng có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại bệnh tật hoặc chấn thương. Tuy nhiên, khi căng thẳng kéo dài, mức cortisol tăng cao và sẽ bắt đầu làm suy yếu hệ miễn dịch. Điều này làm giảm khả năng của cơ thể trong việc chống lại các tác nhân gây bệnh, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.
Vai trò của viêm trong các bệnh do căng thẳng gây ra
Tiến sĩ Priyanka Kapoor cho biết, căng thẳng có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể thông qua viêm. Mặc dù viêm ngắn hạn giúp cơ thể chiến đấu với nhiễm trùng, nhưng căng thẳng kéo dài gây viêm mạn tính, làm tổn thương các mô và cơ quan. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như viêm khớp, các rối loạn tiêu hóa và thậm chí là trầm cảm. Viêm mạn tính do căng thẳng cũng có thể góp phần gây ra những bệnh lý lâu dài như bệnh tim, tiểu đường và các rối loạn tự miễn.
Cách quản lý căng thẳng
Chánh niệm và thư giãn: Thiền và thở sâu giúp giảm cortisol.
Tập thể dục: Giúp giảm căng thẳng và tăng cường miễn dịch.
Chế độ ăn uống lành mạnh: Cung cấp vitamin và khoáng chất hỗ trợ miễn dịch.
Giấc ngủ đủ: Giúp cơ thể phục hồi và giảm căng thẳng.
Kết nối xã hội: Tăng cường mối quan hệ giúp giảm lo âu.
Lưu ý
Tiến sĩ Priyanka Kapoor nhấn mạnh, căng thẳng là một phần không thể tránh khỏi của cuộc sống, nhưng tác động tiêu cực của căng thẳng mạn tính đối với hệ thống miễn dịch không nên bị bỏ qua. Mặc dù căng thẳng ngắn hạn có thể giúp tăng cường miễn dịch, nhưng tiếp xúc lâu dài với hormone căng thẳng sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch, làm cho cơ thể dễ bị nhiễm trùng và các bệnh mạn tính hơn.
Đọc bài gốc tại đây.