Khám bệnh tại nhà là chính sách nhân văn, hỗ trợ người bệnh khó di chuyển tiếp cận y tế. Tuy nhiên, cần giám sát chặt chẽ để tránh lạm...
Khám bệnh tại nhà là chính sách nhân văn, hỗ trợ người bệnh khó di chuyển tiếp cận y tế. Tuy nhiên, cần giám sát chặt chẽ để tránh lạm dụng quỹ BHYT.
BSCKII Trần Thái Sơn - Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Từ ngày 1.7.2025 là thời điểm chính thức áp dụng hàng loạt chính sách mới mang tính đột phá trong Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi năm 2024.
Điểm nhấn quan trọng là người dân sẽ được khám chữa bệnh tại nhà, từ xa và được Quỹ BHYT thanh toán chi phí. Đây là lần đầu tiên BHYT chi trả cho các dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà, từ xa, bao gồm cả thuốc, vật tư y tế và chi phí vận chuyển hợp lý trong các trường hợp phải chuyển tuyến cấp cứu hoặc điều trị nội trú.
Phân tích tính thêm quy định này, BSCKII Trần Thái Sơn cho biết: Đây là bước tiến nhân văn, tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi, người bệnh mạn tính, người khuyết tật hoặc cư dân sống tại vùng sâu, vùng xa được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng mà không bị rào cản về khoảng cách địa lý hay tài chính.
Việc triển khai chính sách này cũng phù hợp với xu hướng phát triển y tế số, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành y tế, đồng thời giảm tải cho các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên.
"Đây là một chính sách mang tính nhân văn sâu sắc, đặc biệt ý nghĩa đối với những người bệnh gặp khó khăn trong việc di chuyển do tuổi cao, bại liệt, dịch bệnh hoặc các điều kiện khách quan khác khiến họ không thể đến trực tiếp cơ sở y tế. Tuy nhiên, để chính sách này phát huy hiệu quả thực chất và tránh bị lạm dụng làm thất thoát quỹ BHYT, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan cùng hệ thống văn bản hướng dẫn rõ ràng, cụ thể.
Trong điều kiện cho phép, người dân vẫn nên ưu tiên khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế lớn như Bệnh viện Bạch Mai – nơi có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, đội ngũ chuyên môn sâu và sự phối hợp liên chuyên khoa để đảm bảo chẩn đoán chính xác và điều trị toàn diện. Dịch vụ khám tại nhà nên được coi là giải pháp hỗ trợ trong những trường hợp thật sự cần thiết nhằm duy trì liên tục quá trình điều trị, hạn chế nguy cơ bệnh diễn tiến nặng phải nhập viện – điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh mà còn tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế", BSCKII Trần Thái Sơn phân tích.
Cũng theo BSCKII. Trần Thái Sơn, nhiều người dân băn khoăn khi đến khám bệnh ngoại trú tại Bệnh viện Bạch Mai có được hưởng BHYT? Bác sĩ Sơn giải thích, không phải ai cũng được thanh toán BHYT khi đến khám tại bệnh viện tuyến trung ương này.
Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện kỹ thuật cao, được xếp tuyến trung ương trước ngày 1.1.2025. Theo quy định mới của Bộ Y tế tại Thông tư số 01/2025/TT-BYT, để được hưởng quyền lợi BHYT khi khám ngoại trú, người bệnh cần thuộc một trong ba nhóm sau:
1. Có giấy chuyển tuyến còn hiệu lực: Người bệnh cần có giấy chuyển tuyến từ cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới (cơ bản cấp ban đầu) và đảm bảo còn trong thời gian hiệu lực theo quy định.
2. Có phiếu hẹn khám lại do chính Bệnh viện Bạch Mai cấp: Phiếu hẹn này phải do Bệnh viện Bạch Mai lập và vẫn còn hiệu lực tại thời điểm đến khám.
3. Mắc bệnh thuộc danh mục 62 bệnh và nhóm bệnh đặc biệt: Những bệnh này được liệt kê tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư 01/2025/TT-BYT, bao gồm bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao. Tuy nhiên, người bệnh cần đặc biệt lưu ý: nếu không có ghi chú "được hưởng quyền lợi ngay trong lượt khám có kết quả xác định bệnh", thì họ chỉ được hưởng BHYT sau khi đã có cơ sở khác chẩn đoán xác định và có hồ sơ liên quan.
“Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi BHYT khi khám tại Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh nên mang theo đơn thuốc, giấy ra viện hoặc hồ sơ bệnh án của các cơ sở từng khám chữa trước đó” - bác sĩ Trần Thái Sơn nhấn mạnh.
Đọc bài gốc tại đây.