Khả năng sống sót của người bị nhồi máu cơ tim

04/05 12:00
 

Tùy mức độ tổn thương cơ tim, tuổi, giới tính, giờ "vàng" cấp cứu mà người bệnh nhồi máu cơ tim thoát tử vong có thể sống khoảng một năm đến hơn 5 năm.

Nhồi máu cơ tim xảy ra khi lượng máu nuôi cơ tim giảm, huyết khối xuất hiện trong lòng mạch khiến mạch máu nuôi cơ tim bị tắc nghẽn. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời.

ThS.BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nhồi máu cơ tim có thể xuất hiện đột ngột, dấu hiệu cảnh báo (nếu có) trước đó là những cơn đau thắt ngực. Cơn đau có thể xảy ra khi ngồi nghỉ ngơi và kéo dài khoảng 15 phút, lan ra sau lưng, lên cổ, cằm, hàm, vai hoặc cánh tay. Người bệnh còn kèm theo triệu chứng mệt, vã mồ hôi, hồi hộp, khó thở, hốt hoảng hoặc ngất xỉu.

Một số trường hợp người cao tuổi, bệnh nhân đái tháo đường hoặc phụ nữ... không có triệu chứng đau ngực. Họ có thể có triệu chứng khó thở, ngất, thay đổi tri giác, tụt huyết áp xuống dưới 90/60 mmHg. Tuổi thọ người bị nhồi máu cơ tim phụ thuộc vào thời gian được cấp cứu, mức độ tổn thương cơ tim, độ tuổi, giới tính...

Nếu được điều trị sớm trong vòng 6 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng, tưới máu kịp thời và phục hồi lưu lượng máu đến tim giúp cải thiện tiên lượng cho bệnh nhân. Mức độ tổn thương cơ tim nhiều, xuất hiện biến chứng thì nguy cơ tử vong cao. Có đến 85% số ca tử vong liên quan đến nhồi máu cơ tim xảy ra ở nhóm người cao tuổi (trên 65 tuổi). Phụ nữ bị nhồi máu cơ tim có khả năng sống sót thấp hơn so với nam giới.

Nghiên cứu trên 21.180 bệnh nhân ở Iran trong khoảng 6 năm cho thấy, tỷ lệ sống sót của bệnh nhân nhồi máu cơ tim trong khoảng một năm là 88%, 3 năm là 81%, 5 năm là 78%.

Có 4 khung giờ can thiệp nhồi máu cơ tim. Trong đó, 1-2 giờ đầu bệnh nhân xuất hiện cơn đau ngực là "giờ vàng". Lúc này cơ tim chỉ bị tổn thương nhẹ nên việc tái tưới máu cơ tim hiệu quả, hạn chế cơ tim chết, giảm tỷ lệ tử vong, biến chứng.

"Giờ bạc" là khoảng thời gian 2-6 giờ từ khi khởi phát triệu chứng nhồi máu cơ tim. Lúc này, một lượng cơ tim tổn thương nhất định, việc cứu cơ tim giảm hiệu quả.

Từ 6-12 giờ xuất hiện triệu chứng là "giờ đồng", bệnh nhân có nguy cơ biến chứng nặng do những cơ tim bị tổn thương sẽ mất vĩnh viễn.

Thời điểm sau 12 giờ khởi phát cơn đau thắt ngực, tỷ lệ thành công khi can thiệp rất thấp, nguy cơ tử vong cao do cơ tim chết lan rộng.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến nhồi máu cơ tim. Thường gặp nhất là do mảng xơ vữa trong lòng mạch hình thành huyết khối gây bít tắc lòng mạch đột ngột khiến lượng máu cung cấp nuôi cơ tim giảm, dẫn đến hoại tử cơ tim, gây suy tim, đột tử. Một số yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, căng thẳng quá mức, làm việc gắng sức, viêm hoặc nhiễm trùng như viêm phổi, đợt cấp bệnh phổi mạn tắc nghẽn, sau chấn thương, phẫu thuật...

Nhồi máu cơ tim gây tổn thương cơ tim, có thể làm suy giảm chức năng tâm trương và tâm thu, làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim. Bệnh có nhiều biến chứng gồm nhịp tim bất thường hoặc rối loạn nhịp tim, sốc tim, viêm màng ngoài tim, ngưng tim, đột tử nếu không điều trị kịp thời. Phòng bệnh bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh, kiểm soát huyết áp, đường huyết, mỡ máu. Khi có dấu hiệu nhồi máu cơ tim, người bệnh cần báo ngay với người thân đưa đến bệnh viện.

Bác sĩ Ngọc cho biết hiện nhiều kỹ thuật hiện đại tầm soát nhồi máu cơ tim như hệ thống máy siêu âm tim qua thành ngực, thực quản ứng dụng trí tuệ nhân tạo khảo sát bất thường tim mạch; hệ thống siêu âm tim gắng sức xe đạp lực kế "2 trong 1" giúp phát hiện sớm bất thường nhỏ nhất ở tim. Bên cạnh đó, người bệnh được thực hiện các xét nghiệm sinh hóa. Can thiệp động mạch vành (chụp mạch vành, nong đặt stent, mổ bắc cầu động mạch vành) là những kỹ thuật chuyên môn sâu điều trị hiệu quả nhồi máu cơ tim.

Mỹ Dung

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.