Kỹ thuật mới mổ cấp cứu đột quỵ 'vô cảm thức tỉnh'

26/04 09:00
 

ENRICH, kỹ thuật mới được Hội Đột quỵ Thế giới đánh giá là "cuộc cách mạng" trong mổ cấp cứu đột quỵ xuất huyết não, đã triển khai thí điểm thành công tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Kỹ thuật này công bố trên tạp chí y khoa The New England Journal of Medicine vào tháng 4, được xem là "mang đến nhiều thay đổi về thời gian lẫn phương pháp, công nghệ điều trị đột quỵ xuất huyết não".

Đột quỵ xuất huyết não là tình trạng xảy ra khi mạch máu não bị vỡ, gây chảy máu, tụ máu trong não. Cấp cứu đột quỵ xuất huyết não cần phẫu thuật để loại bỏ khối máu tụ và bít tắc mạch máu đang vỡ.

Kỹ thuật ENRICH hướng đến xử lý sớm, ứng dụng các công nghệ, máy móc hiện đại giúp bác sĩ thao tác chính xác và loại bỏ khối máu tụ tối đa, đồng thời cầm máu hiệu quả bằng keo Floseal chuyên dụng (khác với trước đây là đốt mạch máu để cầm máu), giúp người bệnh hồi phục nhanh, theo ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.

Bác sĩ Chu Tấn Sĩ đã học tập kỹ thuật mổ cấp cứu đột quỵ ENRICH tại Viện Nghiên cứu Thần kinh Aurora, Wisconsin, Mỹ và triển khai thí điểm tại Bệnh viện Tâm Anh theo cấp phép của Bộ Y tế.

"Hiện 5 ca mổ đột quỵ xuất huyết não thí điểm theo kỹ thuật mới ENRICH đều thành công, người bệnh tỉnh táo trong lúc mổ, hồi phục nhanh", bác sĩ Tấn Sĩ nói.

Điểm đặc biệt của ENRICH là mổ "vô cảm thức tỉnh", tức bệnh nhân tỉnh táo, có thể tương tác, cử động trong khi mổ để bác sĩ trực tiếp đánh giá chức năng thần kinh. Để thực hiện mổ ENRICH, cơ sở y tế cần trang bị các công nghệ, kỹ thuật, máy móc hiện đại chuyên dụng liên quan. Điển hình là hệ thống robot mổ não Modus V Synaptive ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Hiện trên thế giới chỉ 10 nước sử dụng robot này, trong đó có Hệ thống Bệnh viện Tâm Anh.

Các công nghệ như robot, định vị thần kinh Neuro-Navigation AI thế hệ mới giúp bác sĩ nhận diện rõ, đánh giá chính xác các vùng chức năng trong não, mối tương quan giữa các bó dẫn truyền thần kinh với khối máu tụ cả trước, trong và sau mổ. Từ đó, bác sĩ chọn đường mổ nhỏ, xâm lấn tối thiểu, hướng tiếp cận khối máu tụ an toàn và xử trí loại bỏ máu tụ nhanh, cầm máu bằng keo chuyên dụng ngăn tái xuất huyết sau phẫu thuật. Đường mổ đi xuyên rãnh vỏ não và song song với các bó sợi thần kinh (MIPS), bảo toàn tối đa các bó sợi thần kinh và mô não lành lân cận.

Một khác biệt nữa của kỹ thuật mổ mới là "thời gian vàng" mổ đột quỵ, theo bác sĩ Tấn Sĩ. Trước đây, mổ cấp cứu đột quỵ xuất huyết não được xem là mang tính cứu mạng (save life), bác sĩ thường tiến hành mổ khoảng sau 24 giờ kể từ khởi phát triệu chứng để chờ cho mạch máu vỡ tự cầm lại, không chảy thêm. Còn với phương pháp ENRICH, bệnh nhân được phẫu thuật lấy khối máu tụ, giải áp và cầm máu trước 24 giờ đầu, đặc biệt là trong "thời gian vàng" 6-8 giờ đầu.

"Khối máu tụ càng để lâu trong não thì mức độ chèn ép, phóng thích các phản ứng viêm bất lợi, gây tổn thương các mô não lành càng tăng lên", bác sĩ Tấn Sĩ giải thích.

Ca mổ cấp cứu đột quỵ xuất huyết não trước đây thường kéo dài hơn hai giờ. Bệnh nhân được gây mê toàn thân, thở máy, bác sĩ rạch đường mổ lớn, mở nắp hộp sọ diện rộng để giải áp và hút khối máu tụ.

Trong khi đó, ENRICH hướng đến mổ thức tỉnh, người bệnh tỉnh táo, tương tác được với bác sĩ trong suốt cuộc mổ để bác sĩ trực tiếp đánh giá nguy cơ khi thao tác vào vùng não chức năng tương ứng. Thời gian mổ khoảng 40-60 phút. Bệnh nhân không bị ảnh hưởng của thuốc gây mê, giảm nguy cơ biến chứng và không cần hỗ trợ thở máy sau mổ.

Để mổ thức tỉnh cấp cứu đột quỵ theo phương pháp mới, chiến lược gây mê, hồi sức cho bệnh nhân cũng phải được tính toán rất kỹ. BS.CKII Lưu Kính Khương, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết điều khó khăn nhất trong cuộc mổ như thế này là phải gây tê hiệu quả, đúng kỹ thuật để bệnh nhân đủ tỉnh táo, đảm bảo các chỉ số sinh tồn như nhịp tim, hô hấp, huyết áp, SpO2 mà không cảm thấy đau khi được mổ não. Để làm được điều này, liều lượng thuốc tê được tính toán chặt chẽ, điều chỉnh linh hoạt theo yêu cầu của cuộc mổ và diễn biến, phản ứng thực tế của người bệnh.

Đầu tiên, bác sĩ gây tê toàn bộ da đầu bệnh nhân, dùng máy siêu âm để xác định và phong tỏa các nhánh thần kinh chi phối vùng đầu. Khi rạch da đầu, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, nói chuyện được. Khi chuẩn bị khoan sọ, mở màng cứng, bác sĩ gây tê thêm thuốc giúp bệnh nhân an thần nhẹ, mê man vừa đủ, không bị kích thích, đau. Sau đó, ê kíp lại điều chỉnh giảm thuốc để bệnh nhân tỉnh táo, có thể tương tác trong khi loại bỏ máu tụ.

Đột quỵ xuất huyết não chiếm tỷ lệ khoảng 20% trường hợp, ít hơn đột quỵ nhồi máu não (do mạch máu não tắc nghẽn) nhưng tiên lượng điều trị thường xấu hơn. Bác sĩ Tấn Sĩ cho biết phương pháp mới giúp nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh. Mục tiêu chính không chỉ cứu sống mà còn bảo toàn tối đa chức năng thần kinh cho người bệnh sau mổ, nằm viện ngắn và chi phí ít hơn.

Trường Giang

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.