Lý do cần cân bằng lượng natri và kali trong cơ thể

01/02 18:00
 

Việc theo dõi và duy trì sự cân bằng giữa natri và kali qua chế độ ăn uống và lối sống sẽ giúp cải thiện sức khỏe lâu dài.

Việc theo dõi và duy trì sự cân bằng giữa natri và kali qua chế độ ăn uống và lối sống sẽ giúp cải thiện sức khỏe lâu dài.

Tiến sĩ Rakesh Gupta - bác sĩ Nội khoa tại Bệnh viện Indraprastha Apollo (Ấn Độ) - cho biết, việc duy trì sự cân bằng giữa natri và kali là yếu tố thiết yếu cho nhiều chức năng của cơ thể, đặc biệt là sức khỏe tim mạch và cơ bắp.

Cả hai chất điện giải này hoạt động cùng nhau để điều chỉnh cân bằng chất lỏng, hỗ trợ tín hiệu thần kinh và duy trì huyết áp khỏe mạnh.

Nên tiêu thụ bao nhiêu natri mỗi ngày?

Tiến sĩ Gupta hướng dẫn rằng, lượng natri lý tưởng cho người lớn dao động từ 1.500 - 2.300 miligam (mg) mỗi ngày, phần lớn trong số đó đến từ muối. Việc vượt quá giới hạn này, thường do tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như huyết áp cao, bệnh tim và đột quỵ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mức tối đa là 2.000 mg mỗi ngày, trong khi Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị tiêu thụ 1.500 mg để tối ưu hóa sức khỏe tim mạch.

Vai trò của kali trong việc duy trì sự cân bằng

Theo Tiến sĩ Jayanta Thakuria, Giám đốc - Nội khoa và Thấp khớp, Bệnh viện Yatharth Super Speciality (Ấn Độ), Kali đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại các tác động tiêu cực của lượng natri dư thừa trong cơ thể. Kali giúp thư giãn các mạch máu, bài tiết natri dư thừa qua nước tiểu và duy trì sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể.

Chế độ ăn giàu kali có thể giúp kiểm soát huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và cải thiện chức năng thần kinh cũng như cơ bắp.

Các thực phẩm như chuối, cam, bơ, rau bina và khoai lang là nguồn cung cấp kali tuyệt vời. Bên cạnh đó, các sản phẩm từ sữa, các loại đậu và cá như cá hồi cũng hỗ trợ quá trình hấp thụ kali, thúc đẩy sức khỏe tim mạch và tế bào.

Tại sao cân bằng natri và kali lại quan trọng?

Sự cân bằng giữa natri và kali được điều chỉnh bởi thận và việc duy trì sự cân bằng này là rất quan trọng đối với chức năng tim hiệu quả, điều hòa chất lỏng và sức khỏe trao đổi chất nói chung.

Tiến sĩ Gupta nhấn mạnh rằng, quá nhiều natri có thể làm tăng huyết áp, trong khi lượng kali đầy đủ giúp kiểm soát tình trạng này bằng cách cải thiện sức khỏe mạch máu và hỗ trợ bài tiết natri.

Một chế độ ăn ít thực phẩm chế biến sẵn và giàu nguồn kali tự nhiên có thể giúp duy trì sự cân bằng này.

Còn Tiến sĩ Thakuria cho rằng, việc tập trung vào trái cây tươi, rau và ngũ cốc nguyên hạt, đồng thời hạn chế thực phẩm chế biến mặn, là chìa khóa để tránh tăng huyết áp và thúc đẩy sức khỏe tim mạch.

Đọc bài gốc tại đây.