Lưu ý cho thai phụ khi di chuyển dịp Tết

22/01 16:00
 

Thai phụ nên chọn phương tiện phù hợp, ăn mặc thoải mái, uống đủ nước, mang theo hồ sơ thai sản phòng trường hợp cần thiết khi về quê ăn Tết.

Tết Nguyên đán đến gần, nhu cầu di chuyển, về quê sum họp cùng người thân, đi du lịch tăng cao. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Vinh, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, lưu ý thai phụ cần chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo thoải mái, an toàn khi di chuyển.

Tham khảo ý kiến bác sĩ trước chuyến đi để đảm bảo thai kỳ ổn định, không có biến chứng như tiền sản giật, nhau tiền đạo, dọa sảy thai. Nếu có dấu hiệu bất thường như đau bụng, ra máu hoặc tiền sử sinh non, thai phụ nên cân nhắc hoãn chuyến đi. Theo bác sĩ Vinh, thời điểm mẹ bầu di chuyển phù hợp, an toàn nhất thường là ba tháng giữa thai kỳ, tức từ tuần 14 đến tuần 28.

Chuẩn bị kỹ trước chuyến đi bao gồm lên kế hoạch, lịch trình đi lại cụ thể để đảm bảo ăn uống đúng giờ, đủ bữa, đủ chất dinh dưỡng. Thai phụ không nên đi liên tục quá 4 giờ, tránh những con đường gập ghềnh, địa hình xấu. Gia đình nên tìm hiểu trước địa chỉ các cơ sở y tế gần nhất trên dọc đường di chuyển để kịp thời xử lý nếu xảy ra sự cố. Thai phụ nên mang theo hồ sơ thai sản, thông tin liên lạc của bác sĩ để đề phòng trường hợp cần liên hệ. Theo dõi dự báo thời tiết giúp chuẩn bị quần áo phù hợp.

Lựa chọn thời điểm di chuyển hợp lý, tránh đi vào giờ cao điểm để hạn chế tình trạng kẹt xe. Nếu thời tiết nắng nóng, gia đình nên khởi hành vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn, sống ở vùng có khí hậu lạnh nên bắt đầu vào lúc nhiệt độ ấm hơn.

Gia đình lựa chọn phương tiện di chuyển thích hợp. Mẹ bầu nên ngủ đủ giấc, đúng giờ trước chuyến đi, nếu dùng thuốc chống say tàu xe cần có sự tham vấn từ bác sĩ chuyên khoa. Để giảm tình trạng buồn nôn, say tàu xe, thai phụ có thể uống một ly nước gừng ấm khoảng 30 phút trước chuyến đi. Ngồi ghế thoải mái, tránh ngồi quá lâu một chỗ. Nếu đi ô tô, thai phụ có thể chọn ghế ở giữa xe, còn tàu hỏa chọn ghế nằm hoặc ghế ngồi rộng rãi.

Nếu đi máy bay, hãy tham khảo trước ý kiến bác sĩ, nhất là người mang thai trong 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ. Di chuyển bằng xe máy không được khuyến khích cho thai phụ đi đường dài.

Vận động cơ thể hoặc thay đổi tư thế sau mỗi 1-2 giờ, bằng cách duỗi chân và xoay cổ tay, cổ chân, đi lại nhẹ nhàng để thư giãn các cơ, tránh tê mỏi, cải thiện lưu thông máu. Cách này cũng giúp ngăn ngừa các biến chứng như huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân, phù chân.

Dành thời gian dừng nghỉ giữa quãng đường để hít thở, vận động nhẹ nhàng, giảm căng thẳng.

Ăn uống đầy đủ để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Thai phụ có thể mang theo đồ ăn nhẹ lành mạnh như trái cây, bánh mì, sữa để tránh đói khi di chuyển. Tránh ăn thực phẩm dễ gây khó tiêu, đồ sống, tái, thực phẩm không rõ nguồn gốc, dễ gây dị ứng hoặc ôi thiu.

Bác sĩ Vinh lưu ý thai phụ uống đủ nước để tránh mất nước và các cơn co thắt tử cung, nhờ đó tiêu hóa cũng tốt hơn, duy trì đủ lượng nước ối, lưu thông chất dinh dưỡng cho thai nhi.

Giữ khoảng cách an toàn tại nơi đông người như nhà ga, bến xe, nhất là tránh tiếp xúc với người có dấu hiệu ho, sốt, cảm cúm để tránh lây nhiễm bệnh. Thai phụ nên đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch nước sát khuẩn chuyên dụng trong ít nhất 20 giây.

Sau khi về quê, thai phụ cũng nên dành thời gian nghỉ ngơi, không làm việc quá sức, vận động mạnh hoặc tham gia quá nhiều hoạt động.

Trịnh Mai

Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.