Lý do khiến bạn tỉnh giấc ngay trước chuông báo thức

14/07 02:00
 

Bạn thức dậy trước chuông báo thức có thể do nhịp sinh học ổn định, lo lắng kích hoạt hoặc sức mạnh ý chí.

Bạn có từng tỉnh dậy lúc 7h28, chỉ hai phút trước chuông báo thức 7h30? Hiện tượng này khiến bạn bực bội vì mất giấc ngủ hay tò mò về khả năng "siêu nhiên" nắm bắt thời gian khi ngủ?

Tiến sĩ Andrea Matsumura, chuyên gia y học giấc ngủ lý giải việc thức dậy ngay trước chuông báo thức, có ba nguyên nhân, bao gồm:

Nhịp sinh học ổn định

Nếu bạn ngủ và thức đúng giờ mỗi ngày (ít nhất 7 tiếng), cơ thể như "đồng hồ sinh học" tự động đánh thức bạn. Ánh sáng ban ngày và melatonin ban đêm giúp đồng hồ này hoạt động chính xác.

Duy trì giờ ngủ và thức đều đặn, kết hợp tín hiệu ánh sáng, giúp nhịp sinh học vận hành chính xác như dàn nhạc chuyên nghiệp.

Căng thẳng về việc thức dậy

Khi bạn căng thẳng về việc phải dậy sớm (như sợ muộn chuyến bay), cơ thể tiết hormone cortisol và ACTH, khiến bạn tỉnh giấc trước giờ báo thức, đôi khi thức gián đoạn trong đêm mà không nhớ.

Nếu điều này xảy ra thường xuyên và bạn luôn thức dậy với cảm giác lo lắng và đầu óc mụ mị, nhịp sinh học có thể bị rối loạn.

Chẳng hạn khi ai đó là cú đêm và đi ngủ sau nửa đêm, nhưng phải thức dậy để làm việc lúc 6 giờ sáng, họ sẽ hình thành kiểu cảnh giác cao độ trong giấc ngủ và cảm thấy như bản thân đang ngủ với một mắt mở to, bà Matsumura nói.

May mắn thay, bạn có thể thực hiện các bước để điều chỉnh lại nhịp sinh học của mình.

Đã "hiện thực hóa" giờ thức dậy của mình

Có nghiên cứu khoa học thần kinh đằng sau sự hiện thực hóa và sức mạnh của sự thuyết phục, bà Matsumura nói. Một số người "tự đặt" giờ dậy trong đầu, như vận động viên hình dung chiến thắng. Não có thể được rèn để tự đánh thức đúng giờ mà không cần báo thức.

Chưa có nghiên cứu về việc làm thế nào có thể rèn luyện bản thân để thức dậy khi muốn. Nhưng chúng ta có thể suy rộng ra rằng sức mạnh của sự hiện thực hóa có thể giúp điều chỉnh thời gian ngủ, miễn là phù hợp với nhịp sinh học của bản thân.

Mỹ Ý (Theo Real Simple)

Đọc bài gốc tại đây.