Lấy ruột non tái tạo bàng quang cho người bệnh ung thư

04/05 11:00
 

Bà Yến, 61 tuổi, khám sức khỏe tổng quát bác sĩ phát hiện ung thư bàng quang, phải cắt bỏ toàn bộ và lấy ruột non tạo túi chứa nước tiểu mới.

Ngày 4/5, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tân Cương, Phó khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bàng quang của bà Yến có nhiều khối u với kích thước khác nhau, hình dạng như cây súp lơ.

Nội soi cắt bướu để sinh thiết và chụp X-quang cắt lớp vi tính ghi nhận ung thư trong giai đoạn khu trú, dù tổn thương ăn sâu xuống dưới lớp niêm mạc bàng quang nhưng chưa di căn sang các hạch vùng bụng dưới, cơ quan khác (gan, phổi...).

Theo bác sĩ Cương, cách điều trị tốt nhất trong trường hợp này là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ bàng quang, lấy sạch các hạch bạch huyết vùng chậu và tái tạo đường dẫn nước tiểu mới thay bàng quang. Hóa trị hay xạ trị đơn thuần thường không có hiệu quả.

Người bệnh có vết mổ cũ vùng bụng dưới, đã cắt tử cung và buồng trứng 10 năm trước, mổ nội soi gặp nhiều khó khăn do dính nên bác sĩ phải mổ mở, thay vì phẫu thuật nội soi. Ê kíp tạo một đường mổ giữa rốn đến xương mu, dài khoảng 12 cm, để bóc tách, cắt toàn bộ bàng quang. Sau đó, bác sĩ sử dụng đoạn cuối ruột non (hồi tràng) dài 15-20 cm của chính người bệnh để tạo thành một túi chứa nước tiểu mới thay bàng quang đã cắt bỏ.

Hai niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang cũ) được nối vào đầu xa "bàng quang mới", đầu còn lại được đưa ra da thông qua một lỗ tròn cỡ 3 cm trên hông phải. Từ đây, nước tiểu được dẫn từ thận vào túi chứa nước tiểu mới, ra ngoài cơ thể qua lỗ thông mở ra da.

Những ngày đầu sau mổ, bà Yến phải nhịn ăn và truyền dịch đảm bảo dinh dưỡng. Khi có nhu động ruột (quá trình co bóp tiêu hóa thức ăn) và trung tiện, bà có thể uống chút nước, ăn một ít thức ăn lỏng. Sau đó, bà có thể ăn thức ăn dạng lỏng như cháo loãng. 7 ngày sau phẫu thuật, bà không còn đau, có thể đi lại nhẹ nhàng, được xuất viện.

"Phẫu thuật tạo hình bàng quang là một trong những kỹ thuật tạo hình phức tạp nhất trong lĩnh vực tiết niệu", bác sĩ Cương nói, thêm rằng phẫu thuật viên phải có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm. Hiện những trung tâm Tiết niệu lớn mới có thể thực hiện kỹ thuật này.

Ở một số trường hợp, "bàng quang mới" làm bằng một đoạn ruột được nối với niệu đạo, người bệnh có thể đi tiểu giống như trước đây mà không phải mang túi nước tiểu thường xuyên. Tuy nhiên, do ruột non không có khả năng giữ nước tiểu và co bóp giống như bàng quang nên người bệnh gặp phải tình trạng tiểu không hết, són tiểu liên tục, có nguy cơ nhiễm khuẩn, suy thận ngược dòng.

Khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, ghi nhận trung bình mỗi tháng có 3-4 trường hợp được chẩn đoán ung thư bàng quang. Khoảng 80% trường hợp phát hiện sớm, điều trị hiệu quả bằng nội soi cắt bướu qua đường niệu đạo, còn lại phải cắt toàn bộ bàng quang.

Bác sĩ Cương cho biết ung thư bàng quang ở giai đoạn sớm hay ung thư chỉ ở lớp niêm mạc được điều trị hiệu quả bằng phẫu thuật cắt đốt bướu nội soi và hóa trị tại chỗ (bơm hóa chất vào bàng quang). Một số trường hợp cần nội soi cắt bổ sung và hóa trị tại chỗ duy trì để giảm nguy cơ tái phát. Sau phẫu thuật, người bệnh cần tuân thủ lịch theo dõi bàng quang định kỳ trong vòng 5 năm, do tỷ lệ tái phát lên đến 50%.

Ở giai đoạn muộn, mức độ ác tính cao, xâm lấn sâu như trường hợp của bà Yến, bắt buộc cắt toàn bộ bàng quang và tử cung, buồng trứng (ở phụ nữ) hoặc tuyến tiền liệt, túi tinh (ở nam giới).

Nếu không điều trị sớm, tổn thương ung thư xâm lấn sâu, dần di căn sang các hạch bạch huyết, di căn máu đến gan và phổi, tiên lượng rất xấu. Lúc đó, phẫu thuật cắt bàng quang không thể điều trị khỏi bệnh. Khối u liên tục chảy máu rỉ rả hoặc xuất hiện các cục máu trong nước tiểu khiến người bệnh thiếu máu, suy kiệt dần dẫn đến tử vong.

Trước khi phát hiện ung thư bàng quang, bà Yến vẫn đi tiểu bình thường, không đau tức bụng, tiểu buốt, tiểu gắt, chỉ thỉnh thoảng nước tiểu ngả màu đỏ. Bác sĩ Cương lưu ý tiểu máu (trong nước tiểu có nhiều hồng cầu) là dấu hiệu thường gặp nhất ở người bệnh ung thư bàng quang. Khi xuất hiện thêm triệu chứng như đau bụng dưới, ứ nước thận, nổi hạch, bệnh đã sang giai đoạn muộn, khó chữa.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 25% trường hợp ung thư bàng quang được chẩn đoán ở giai đoạn muộn. Bác sĩ Tân Cương khuyến cáo người có biểu hiện tiểu máu cần sớm đến bệnh viện khám, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, bảo tồn tối đa bàng quang. Mọi người cần khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng, nhất là người hút thuốc lá hoặc có người nhà từng mắc ung thư bàng quang. Phòng ngừa bệnh bằng cách không hút thuốc lá; uống đủ nước (hai lít mỗi ngày); ăn uống lành mạnh; hạn chế tiếp xúc với hóa chất có mùi thơm, thuốc trừ sâu.

Thắng Vũ

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.