Mỗi người bệnh nên biết về quyền được mổ không đau

25/01 19:31
 

Cái đau có thể ảnh hưởng đến tâm lý và nhiều chức năng trong cơ thể, để lại hậu quả rất lâu dài cho người bệnh.

Cái đau có thể ảnh hưởng đến tâm lý và nhiều chức năng trong cơ thể, để lại hậu quả rất lâu dài cho người bệnh.

Giúp người bệnh hồi phục sau mổ hoặc sau chấn thương

Từ ngày 18-25.1.2025, Hiệp hội Gây tê vùng và Giảm đau châu Âu (ESRA) phối hợp cùng các hiệp hội chuyên ngành hàng đầu thế giới phát động Tuần lễ Thế giới lần thứ hai về Gây tê vùng và Giảm đau với chủ đề "Chung tay vì một tương lai không đau trên toàn thế giới".

Sự kiện này là cơ hội để các bác sĩ, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực gây mê hồi sức từ khắp nơi trên thế giới cập nhật kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về những tiến bộ vượt bậc trong kỹ thuật gây tê vùng và giảm đau.

Tại Việt Nam, chương trình được tổ chức trực tuyến qua nền tảng Zoom và trực tiếp tại hai điểm cầu: Trường Đại học Y - Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội và Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vào ngày 25.1.2025.

GS.TS Lê Ngọc Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội - cho biết, hiện nay, lĩnh vực gây tê vùng và giảm đau tại Việt Nam đang được quan tâm. Việc phát triển gây tê vùng và giảm đau rất lý tưởng đối với người bệnh, giảm thiểu ca phẫu thuật phải gây mê toàn thân.

"Giờ đây có những ca mổ không đau hoặc bệnh nhân tỉnh hoàn toàn trong quá trình phẫu thuật. Gây tê vùng giảm thiểu rủi ro trong gây mê nói chung hoặc tại những cơ sở y tế chưa đủ điều kiện thực hiện gây mê toàn thân…", GS.TS Lê Ngọc Thành nói.

Gây tê vùng và giảm đau còn có ý nghĩa giúp người bệnh hồi phục sau mổ hoặc sau chấn thương mà không đau đớn, hay giúp người mắc bệnh ung thư vượt qua nỗi đau không đáng có… với mục tiêu để tất cả người bệnh, kể cả bệnh nhân tuyến cơ sở được thụ hưởng những kỹ thuật tốt nhất.

Giảm thiểu chi phí điều trị và rút ngắn thời gian nằm viện

PGS.TS Công Quyết Thắng - Chủ tịch Hội Gây mê hồi sức Việt Nam - cho rằng, mỗi người bệnh được chỉ định phẫu thuật đều phải trải qua những cơn đau.

"Cái đau có thể ảnh hưởng đến tâm lý và nhiều chức năng trong cơ thể, để lại hậu quả rất lâu dài. Chính vì vậy, gây tê vùng và chống đau tốt cho người bệnh có một ý nghĩa rất lớn", PGS Thắng khẳng định.

Theo PGS Thắng, hiện nay, nhiều bệnh viện đã tăng cường phát triển các chương trình giảm đau toàn diện, từ điều trị đau cấp tính trong phẫu thuật cho đến quản lý đau mãn tính. Các kỹ thuật mới được ứng dụng không chỉ giảm thiểu đau đớn mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Thời gian tới, hội sẽ chú trọng việc đào tạo, cập nhật kiến thức, công nghệ mới, nâng cao trình độ, kỹ năng về gây tê vùng và giảm đau cho các y bác sĩ tại Việt Nam, từ đó giúp chăm sóc sức khỏe toàn diện người bệnh.

PGS.TS Công Quyết Thắng cũng cho hay, Hội Gây mê hồi sức Việt Nam đang phối hợp với Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế để xúc tiến xây dựng các quy trình kỹ thuật, các danh mục kỹ thuật liên quan… hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện, bảo đảm bệnh nhân không đau, an toàn, giảm thiểu chi phí điều trị và rút ngắn thời gian nằm viện.

Đọc bài gốc tại đây.