Mỹ đầu tư thêm 590 triệu USD thúc đẩy nghiên cứu vaccine cúm gia cầm

19/01 10:00
 

590 triệu USD được chính phủ Mỹ tài trợ thêm cho Moderna để đẩy nhanh quá trình phát triển cúm gia cầm mRNA và loại vaccine cúm khác.

"Các biến thể cúm gia cầm được chứng minh khó lường và nguy hiểm với con người. Việc đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine mới cho phép đi trước và đảm bảo người dân Mỹ được an toàn", Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ (HHS) Xavier Beccera cho biết hôm 17/1.

Đây là khoản tài trợ thứ hai, nối tiếp khoản tài trợ thứ nhất được HHS trao cho Moderna hồi tháng 7/2024. Khoản tiền này giúp hoàn tất giai đoạn phát triển và thử nghiệm cuối cùng của vaccine mRNA phòng cúm gia cầm H5N1.

Hãng Moderna cũng cho biết đang chuẩn bị đưa mũi tiêm vào thử nghiệm giai đoạn cuối, sẽ công bố trong thời gian tới. Ngoài Moderna, Pfizer và GlaxoSmithKline (hợp tác với CureVac) cũng tham gia nghiên cứu vaccine phòng cúm gia cầm song chưa tiết lộ cụ thể.

Kể từ tháng 4/2024, Mỹ ghi nhận gần 70 người nhiễm virus H5N1, chủ yếu là nhóm làm việc tại nông trại. Hầu hết trường hợp nhiễm trùng nhẹ, chỉ một ca tử vong được ghi nhận ở Louisiana vào tuần trước. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đánh giá nguy cơ mắc cúm gia cầm với cộng đồng còn thấp, chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người.

Công nghệ mRNA được ứng dụng để nghiên cứu vaccine kể từ đại dịch Covid-19, cho phép đẩy nhanh tốc độ phát triển các mũi tiêm. Vaccine đưa một phần gene di truyền của virus vào cơ thể, kích thích tạo ra các protein để kích hoạt phản ứng miễn dịch.

Hiện, thế giới chỉ có một loại mũi tiêm được Mỹ phê duyệt, do công ty CSL Seqirus sản xuất. Mỹ dự trữ sẵn khoảng 10 triệu liều, có thể sử dụng vào đầu năm nay.

Bệnh cúm gia cầm do virus H5N1 gây ra. Ở người, virus có thể gây bệnh nặng, diễn tiến nhanh và tử vong. Triệu chứng bao gồm sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ và họng. hiện, cúm A/H5N1 chưa có thuốc điều trị. Ngoài vaccine, các biện pháp phòng ngừa được khuyến cáo gồm: không ăn thịt, giết mổ gia cầm ốm, chết không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín uống sôi, vệ sinh tay; tiêu hủy con vật khi có biểu hiện bệnh.

Chi Lê (Theo Reuters)

Đọc bài gốc tại đây.