Ngộ độc methanol gây nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất cân bằng điện giải, thậm chí loạn nhịp tim, hạ huyết áp, ngừng hô hấp, tử vong.
Giáp Tết, số trường hợp ngộ độc rượu, bia gia tăng, phần lớn do uống đồ uống bị lẫn tạp chất và methanol. Đầu tháng 1, thanh niên 28 tuổi bị khó thở, lơ mơ sau uống rượu, cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nhiễm toan chuyển hóa nặng, hôn mê do ngộ độc methanol. Bệnh nhân được thở máy, lọc máu suốt 8 giờ song vẫn mất phản xạ, biến chứng xuất huyết não nghiêm trọng, sau đó tử vong.
Ngày 22/12/2024, năm người có biểu hiện ngộ độc cồn methanol, trong đó một trường hợp tử vong ngoại viện sau khi uống rượu tại đám cưới ở huyện Thường Tín, Hà Nội. Kết quả xét nghiệm mẫu rượu cho thấy nồng độ cồn công nghiệp methanol là 34%.
Hai ngày sau, một vụ ngộ độc rượu tập thể tại Long Biên khiến 2 người tử vong, 15 người nhập viện, nhiều trường hợp nặng, lọc máu, di chứng nguy kịch.
4 người ở Vũng Tàu phải cấp cứu, nghi do ngộ độc rượu. Nhóm người đến ăn bánh canh cá lóc và uống hết 4 chai (loại 500 ml/chai) rượu không màu. Nhà chức trách test (kiểm tra) nhanh mẫu rượu còn lại tại quán bánh canh, kết quả dương tính với methanol.
Theo Cục An toàn thực phẩm, rượu có thành phần chính là ethanol, với công thức hóa học C2H5OH, trong khi rượu methanol có công thức hóa học CH3OH. Hai loại rượu này đều được lên men và chưng cất. Tuy nhiên, rượu ethanol lên men từ tinh bột hoặc đường thì rượu methanol lại lên men từ nguyên liệu có chứa cellulose (gỗ). Methanol có trong rượu là một chất cực độc, "được ví như kẻ giết người thầm lặng".
PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, Phó trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội, cho biết methanol là cồn công nghiệp, chất lỏng trong suốt, thường dùng làm dung môi hoặc nhiên liệu vận tải, nhiên liệu hàng hải, pin năng lượng mặt trời, phát điện, nấu ăn... Methanol không được phép dùng trong thực phẩm.
Methanol là chất lỏng nhẹ, không màu, có độc tính cao và không thích hợp để uống. Theo bác sĩ, rượu ethanol được cơ thể con người chuyển hóa thành axit citric và xử lý thông qua gan. Còn methanol chuyển hóa thành formaldehyde, tiếp đến là formic acid, tấn công não bộ, mắt, dây thần kinh thị giác và các bộ phận khác như thận, gan.
Tiến sĩ Khuất Quang Sơn, giảng viên Hóa học, Đại học Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, cho biết methanol vừa là chất độc cấp tính vừa là chất độc mạn tính (không có dấu hiệu rõ ràng và không phát tác ngay sau khi ăn). Theo y văn, nồng độ này ở từ mức 20mg/dL đã có thể gây ngộ độc, trên 50 mg/dL phải lọc máu cấp cứu và trên 80 mg/dL khả năng tử vong.
Theo bác sĩ, ngộ độc methanol diễn ra từ từ. Trong những giờ đầu sau khi uống, người bệnh chỉ có cảm giác say giống say rượu thông thường như nhức đầu, chóng mặt, kích động, hưng cảm cấp tính, mất trí nhớ, giảm mức độ ý thức bao gồm hôn mê và co giật. Nhiều người bị buồn nôn, nôn, chán ăn, đau bụng dữ dội, xuất huyết tiêu hóa, tiêu chảy, bất thường chức năng gan và viêm tụy.
Sau vài ngày, chất độc bắt đầu chuyển hóa. Bệnh nhân xuất hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh do rối loạn axit máu, co giật, hôn mê, nhạy cảm với ánh sáng, ảo giác thị giác, nhìn mờ, mất thị lực một phần đến toàn bộ và hiếm khi đau mắt, mất cân bằng điện giải, suy thận, tiểu ra máu và chết cơ ở cấp độ tế bào, tiêu cơ vân. Khi đến viện, hầu hết trường hợp đã tổn thương não, mắt và tuần hoàn, ở trong tình trạng nguy kịch.
"Tuy nhiên, rất khó để phân biệt rượu chứa methanol và ethanol bằng mắt thường", tiến sĩ nói. Methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí ngọt, dễ uống hơn. Cảm giác sau khi uống rất dễ bị nhầm lẫn, đều gây chóng mặt, say xỉn, mệt mỏi.
Chưa kể, methanol được "tuồn" trái phép ra ngoài, pha vào rượu nhằm mục đích kinh doanh phi pháp, không được cơ quan chức năng kiểm soát... Một số khác do mua cồn sát trùng (cồn y tế) về pha với nước thành rượu uống, mà không biết cồn sát trùng này vô tình bị pha trộn methanol.
Cách an toàn nhất là không uống rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có giấy chứng nhận. Không uống rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ nguồn gốc.
Nên sử dụng mức độ vừa phải theo liều lượng. Không uống quá hai đơn vị cồn một ngày với nam, một đơn vị cồn mỗi ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày một tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10 g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống, tức khoảng 3/4 chai hoặc lon bia 330 ml (5%) hoặc một cốc bia hơi 330 ml hay một ly rượu vang 100 ml (13,5%) hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%). Không cho trẻ em và vị thành niên uống rượu bia.
Tuyệt đối không uống rượu pha với những loại nước có ga, bia, caffein, hoa quả công nghiệp nhiều phẩm màu... Không nên ăn các loại kẹo, bánh mứt quá ngọt hoặc các loại thực phẩm cay nồng và hút thuốc trong khi uống rượu khiến cơ thể nhanh chóng bị mệt, tinh thần thiếu minh mẫn...
Khi phát hiện hay nghi ngờ một ai đó bị ngộ độc rượu, bạn hãy thực hiện các bước sơ cấp cứu sau:
- Gọi cấp cứu hoặc gọi người giúp đỡ, kiểm tra tình trạng của nạn nhân.
- Cố gắng giữ nạn nhân tỉnh táo, đặt nạn nhân ở tư thế đầu được kê cao.
- Nếu nạn nhân bất tỉnh hãy nằm nghiêng, tránh khả năng nôn ói bị hít sặc trở lại. Nếu còn tỉnh hãy cho nạn nhân uống nước.
- Dùng vải sạch hoặc chăn quấn quanh người để giữ ấm. Khai báo với nhân viên y tế các triệu chứng ban đầu và số lượng rượu nạn nhân đã uống.
Thùy An
Đọc bài gốc tại đây.