Mạch máu chân tắc nghẽn khiến cụ ông không thể đi lại

18/04 13:00
 

Ông Minh, 75 tuổi, tắc động mạch chi dưới nên đau chân, không thể đi lại, được bác sĩ can thiệp "2 trong 1" cứu mạch máu nuôi chân.

Ngày 18/4, BS.CKI Lê Văn Tuyến, Trung tâm Can thiệp Mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết khi đến viện, chân ông Minh cứng đờ do tắc nghẽn nặng động mạch hai chi dưới, đặc biệt là tắc động mạch chậu, động mạch đùi, động mạch dưới gối. Tình trạng tắc không được xử lý dứt điểm dẫn tới thiếu máu nặng hai chân, chỉ số thiếu máu chi dưới (ABI) lần lượt là 0,76 và 0,83 (chỉ số bình thường 0,91 và 1,4), nguy cơ hoại tử.

TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, cho biết ở những trường hợp tương tự, bác sĩ mổ bắc cầu mạch máu hai chân cho cả hai nhánh động mạch chậu và động mạch đùi. Tuy nhiên, ông Minh lớn tuổi, tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành, thận mạn nên lo cuộc mổ lớn không đủ sức.

Các bác sĩ quyết định kết hợp phương pháp phẫu thuật và can thiệp nội mạch cho người bệnh nhằm giải quyết triệt để tình trạng bệnh. Trong vòng hai giờ, bác sĩ bắc cầu mạch máu cho đoạn động mạch chân trái tắc kéo dài, đặt stent tại vị trí tắc nghẽn tại động mạch chậu trái. Ê kíp tái thông mạch máu đùi phải. Hai chân người bệnh được tái tưới máu với các vết mổ rất nhỏ.

Sau thủ thuật, ông Minh hết đau tê hai bàn chân, có thể tập đi lại, xuất viện sau ba ngày. Tái khám, chỉ số tưới máu hai chân bình thường, các vị trí bắc cầu nối, đặt stent cho dòng chảy trơn tru.

Tắc động mạch chi dưới xảy ra khi mạch máu nuôi chân bị tắc nghẽn do cục máu đông hoặc mảng xơ vữa. Bệnh nhân thường xuất hiện triệu chứng đau chân dữ dội, da xanh xao, mất cảm giác chân, hoại tử. Nếu không được can thiệp kịp thời, người bệnh có nguy cơ bị đoạn chi, tử vong. Tùy thuộc loại tắc nghẽn, vị trí đoạn mạch bị tắc và sức khỏe người bệnh, bác sĩ chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ tắc động mạch chi dưới bao gồm tuổi tác, hút thuốc lá, đái tháo đường, béo phì, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, lối sống ít vận động, tiền sử gia đình mắc bệnh mạch máu.

Để giảm rủi ro mắc bệnh, bác sĩ Dũng khuyến cáo không hút thuốc lá, tập thể dục đều đặn, duy trì cân nặng phù hợp (BMI dưới 23), kiểm soát các bệnh nền mạn tính.

Thu Hà

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.