Mất điện đột ngột, 15 y bác sĩ soi đèn điện thoại để mổ đẻ

10/09 19:35
 

Thai nhi có dấu hiệu suy yếu, sản phụ 38 tuổi phải sinh mổ cấp cứu song băng ca vừa đẩy vào phòng mổ thì đèn vụt tắt.

Điện từ máy phát điện cúp đột ngột, trưa 10/9. Trong phòng mổ khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc, tối om. Ngoài trời mưa như trút nước và ngày càng lớn. Nước lũ dâng ngập toàn bộ tầng một bệnh viện, gây hỏng toàn bộ hệ thống máy phát điện. Hai ngày qua mưa bão càn quét, bệnh viện đã mất điện nguồn, chỉ còn điện từ máy phát, giờ tắt hoàn toàn.

Bác sĩ Cao Thị Thúy Anh, khoa Sản, nhớ ánh mắt mọi người trong kíp trực nhìn nhau khi cúp điện đột ngột và sản phụ bất chợt khóc lớn. Sản phụ mang thai 39 tuần ngôi ngược, vừa được người nhà cùng lực lượng cứu hộ chở bằng ca nô vượt lũ vào viện. Chị đau bụng, tay bám chặt thành băng ca. Kíp trực xác định có dấu hiệu suy thai, tim thai biến động, cần sinh mổ ngay.

"Tình huống vô cùng nguy hiểm nhưng không còn đường lui", bác sĩ Anh nói, quyết định huy động toàn bộ nhân lực trong khoa đến. Chị muốn tận dụng đèn pin điện thoại và đèn soi của Khoa Tai - Mũi - Họng để "thắp sáng" phòng mổ. Trong khi mọi người chuẩn bị, bác sĩ Tống Thị Việt Hà, Trưởng khoa Gây mê - Hồi sức, trấn an sản phụ: "Mọi chuyện sẽ ổn thôi".

Sau vài phút, khoảng 15 y bác sĩ có mặt trong phòng mổ tay cầm điện thoại hoặc đèn soi tai mũi - số lượng nhân sự gấp ba lần so với cuộc mổ bình thường. Trong khi kíp mổ thao tác, những người còn lại mở đèn điện thoại thay phiên soi đèn cho kíp mổ làm việc.

Mất điện khiến cuộc mổ gặp nhiều khó khăn, vừa thiếu dụng cụ, vừa thiếu ánh sáng, đèn từ điện thoại không thể tập trung vào một điểm chính xác. Bác sĩ Thúy Anh hít sâu một hơi trước khi cầm dao mổ rạch một đường dài trên bụng sản phụ đón bé trai nặng 3 kg chào đời. "Chưa bao giờ chúng tôi tỉnh táo như lúc này", nữ bác sĩ nhớ lại, đùa rằng bé trai là "ánh sáng đẹp nhất".

Sau đó, bác sĩ Anh vội chạy ra ngoài chuẩn bị cho một ca chuyển dạ vừa đến, còn bác sĩ Hà và kíp tiếp tục xử lý phần việc còn lại của ca mổ trên.

Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc ở trong vùng trũng nên bị ngập rất nhanh và rất sâu. Từ đêm 9/9 đến nay do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, nhiều nơi của tỉnh Tuyên Quang mưa rất to, nước trên các sông dâng cao gây ngập úng nhiều khu vực trong đó có bệnh viện Phương Bắc.

Bác sĩ Nguyễn Văn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc, cho biết đơn vị đang cố gắng khắc phục sớm để không ảnh hưởng đến công tác chữa bệnh. "Lũ ngập, bệnh viện vẫn đảm bảo chăm sóc và tiếp nhận người bệnh", bác sĩ Cảnh nói.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn tỉnh Tuyên Quang, trong 12 giờ tới mực nước vẫn tiếp tục lên. Mưa lớn có khả năng gây ngập úng tại các vùng trũng, thấp và lũ quét trên các sông suối, sạt lở đất trên sườn dốc.

Tuyên Quang cấm các phương tiện đi qua cầu Chiêm Hóa trên quốc lộ 38 tại thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa; cấm xe có tải trọng trên 3,5 tấn, xe khách các loại qua cầu Nông Tiến, quốc lộ 37 ở TP Tuyên Quang, cầu Bợ quốc lộ 3B, xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên, cầu Sơn Dương, quốc lộ 37 thị trấn Sơn Dương, cầu An Hòa trên đường tỉnh 186 xã Vĩnh Lợi và cầu Kim Xuyên, xã Hồng Sơn.

Thùy An

Đọc bài gốc tại đây.