Mẹo giảm say xe khi đi lại ngày Tết

24/01 12:00
 

Để giảm say xe, bạn uống trà gừng, uống chanh ấm, ngửi vỏ quýt, vỏ cam hoặc ngồi ghế trước, cạnh cửa sổ để thoải mái không đau đầu.

Ngày Tết, mọi người phải di chuyển đường dài, thường bị say xe, chóng mặt, mệt mỏi. Nhiều người bị ngất, choáng, nôn vì không ngửi được mùi xăng xe.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, giải thích say tàu xe là do sự mâu thuẫn giữa các luồng tín hiệu gửi tới não hoặc do tiền đình bị kích thích quá mức. Ngoài ra, không gian kín, mùi khói thuốc, mùi xăng, dầu của xe... cũng gây say nhanh hơn. Người bị hội chứng tiền đình, phụ nữ có thai hoặc đang dùng thuốc tránh thai, trẻ em, nguy cơ bị say xe cao hơn bình thường.

Biểu hiện thường gặp như bồn chồn, lo lắng, tăng tiết mồ hôi, da nhợt nhạt, thở nhanh, buồn nôn và nôn, co thắt đường tiêu hóa, chóng mặt, nhức đầu...

Một số mẹo giúp giảm cảm giác say tàu xe:

Gừng tươi

Gừng là gia vị phổ biến trong bữa ăn gia đình. Đây còn là bài thuốc quý, chữa kháng viêm, trị cảm lạnh, làm ấm cơ thể từ bên trong, phòng các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa. Gừng hỗ trợ làm dịu những cơn buồn nôn, chóng mặt do say xe. Bạn có thể uống một cốc trà gừng trước khi đi, không nên uống nhiều. Vỏ gừng đắng, bạn có thể gọt bỏ hoặc giữ nguyên tùy nhu cầu.

Cận Tết, thời tiết lạnh, mọi người có thể uống gừng, ngâm chân, tay với nước gừng để thoải mái, dễ chịu hơn.

Lưu ý người chuẩn bị mổ hoặc mới mổ xong thì không dùng gừng. Không dùng cho người chảy máu cam, chảy máu răng, băng huyết, ho ra máu, người bị đổ mồ hôi nhiều, cảm nắng... Phụ nữ mang thai không nên sử dụng vì trà gừng có thể gây co thắt tử cung, làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non. Những người có tạng nóng, hay lở miệng, táo bón, người nhiều mồ hôi hoặc đang ra mồ hôi thì không nên ăn.

Quýt, chanh tươi

Chanh, quýt là thực phẩm giàu vitamin C, kali, magiê, canxi và các khoáng chất có lợi cho sức khỏe cũng như tinh thần. Đây là loại quả tăng cường miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa. Khi say xe, bạn có thể uống một cốc nước chanh ấm để giảm khó chịu ở cổ họng. Bạn có thể ngửi vỏ quýt, chanh để tinh thần dễ chịu hơn, giảm cảm giác nôn nao.

Người bị bệnh dạ dày, tiêu hóa, đại tràng không nên uống lúc đói.

Trái cây khô, bánh mì, các loại hạt

Để quên cảm giác say xe, bạn có thể sử dụng trái cây khô hoặc các loại hạt. Ăn bánh quy giảm khó chịu, buồn nôn. Không nên dùng loại có vị cay, mùi tỏi, hành tây... để tránh say xe nặng hơn. Nhiều người thích ăn hoặc ngửi mùi bánh mì để hạn chế cơn buồn nôn, giảm ói mửa. Bạn có thể uống thuốc hoặc dán miếng dán chống say tàu xe.

Ngoài ra, bạn nên giữ tinh thần thoải mái, không quá căng thẳng để giảm tình trạng say xe, mệt mỏi. Không ăn quá no hoặc để cơ thể quá đói quá. Nên ngủ đủ giấc trước khi lên tàu, xe.

Nếu có thể ngủ trên tàu, xe cũng có thể giúp đỡ bị say hơn. Người hay bị say xe nên tránh dùng đồ uống có cồn.

Bạn có thể chọn những bản nhạc thư giãn không lời, tiếng ồn trắng để thư giãn đầu óc, giải tỏa căng thẳng.

Thùy An

Đọc bài gốc tại đây.