Trong cơ thể, gan thực hiện hơn 500 chức năng khác nhau nhưng lại chịu sự tác động mạnh mẽ từ nhiều yếu tố.
Để lá gan khỏe mạnh dịp Tết, bạn đừng lỡ bỏ qua 10 điều phải nhớ sau.
Cảnh giác mắc viêm gan B mạn với dấu hiệu không rõ ràng
Có tiền sử viêm gan B mạn phát hiện nhiều năm chưa điều trị thuốc ức chế vi rút, đợt này chị N.H.T. (50 tuổi, Hà Nội) có cảm giác mệt mỏi không rõ ràng. Năm hết, Tết đến, để an tâm sức khỏe, chị T. quyết định đi khám bệnh.
ThS Trần Tiến Tùng - chuyên khoa truyền nhiễm đã chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm máu cần thiết, cùng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như siêu âm ổ bụng và siêu âm đàn hồi mô gan.
Kết quả men gan tăng cao, xét nghiệm định lượng viêm gan B (HBV-DNA) tăng: 5550 copies/ml.
Siêu âm ổ bụng cho hình ảnh gan to/Gan thoái hóa mỡ độ II-III. Kết quả siêu âm đàn hồi mô gan FibroScan cho độ cứng của gan tương đương F3, tức xơ hóa nặng: xơ trải rộng và có sự nối các vùng gan bị xơ với nhau.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế năm 2019, chỉ định điều trị thuốc ức chế vi rút dựa vào sự kết hợp 3 yếu tố: nồng độ ALT, tải lượng HBV DNA và mức độ xơ hóa gan. Trường hợp bệnh nhân T. đã được tư vấn điều trị thuốc ức chế vi rút.
ThS Tùng cho biết: Các triệu chứng của viêm gan B mạn giai đoạn đầu thường mơ hồ, tiến triển thầm lặng. Nếu không được quản lý và điều trị kịp thời, viêm gan B mạn có thể là nguyên nhân dẫn đến xơ gan, suy gan và ung thư gan.
Bệnh nhân này chỉ xuất hiện dấu hiệu mệt mỏi nên rất dễ nhầm lẫn và chủ quan, tuy nhiên may mắn là người bệnh đi khám kịp thời và được kê đơn điều trị thuốc ức chế vi rút để ngăn chặn sự bùng phát vi rút.
10 điều phải nhớ để bảo vệ lá gan ngày Tết
Trong cơ thể, gan là cơ quan nội tạng lớn nhất. Theo các nghiên cứu cho thấy, gan thực hiện hơn 500 vai trò khác nhau, trong đó có những vai trò đặc biệt quan trọng như đào thải độc tố, sản xuất mật để hấp thụ các chất vào cơ thể, thực hiện chức năng chuyển hóa...
Tuy nhiên, gan lại chịu sự tác động của nhiều tố từ chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.
Dịp Tết Nguyên đán gia đình nào cũng chuẩn bị mâm cao cỗ đầy, dùng bia rượu để chúc tụng... Theo bác sĩ, những thói quen ăn uống nếu không được kiểm soát có thể là nguyên nhân làm trầm trọng hơn những bệnh lý rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, mỡ máu, gout, tim mạch, đặc biệt là gây hưởng tới lá gan.
Để giữ gìn lá gan khỏe mạnh, người dân nên cần lưu ý thực hiện "5 tránh" trong dịp Lễ, Tết như sau:
1. Uống bia rượu
Rượu bia là thức uống không thể thiếu trong các buổi tiệc tùng, ngày Lễ, Tết, nhưng có thể bạn chưa biết, khi rượu vào cơ thể sẽ được gan chuyển thành acetaldehyde - một chất rất độc hại.
Nếu lượng rượu vào cơ thể mà không kiểm soát được sẽ gây mệt mỏi, mẩn ngứa, mề đay, nghiêm trọng hơn là gây tăng men gan, viêm gan cấp, xơ gan...
2. Thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo, ít rau
Món ăn ngày Tết thường có nhiều dầu mỡ, chứa nhiều chất béo không bão hòa, nhưng lại ít rau xanh, nếu ăn quá nhiều dầu mỡ trong thời gian dài khiến gan làm việc quá sức để chuyển hóa. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ, hoặc làm trầm trọng hơn ở những bệnh lý về gan sẵn có.
3. Ăn quá nhiều đồ ngọt
Nước ngọt, bánh kẹo, mứt đủ loại là những đồ ăn không thể thiếu trong dịp Tết của mỗi gia đình.
Nếu nạp vào cơ thể quá nhiều đồ ngọt khiến gan phải làm việc nhiều hơn để chuyển hóa thức ăn, lọc thải các chất độc hại. Nếu không kịp đào thải, các chất độc hại có thể gây tổn thương gan.
4. Thiếu ngủ và stress vào dịp Tết
Để có ngày nghỉ Tết trọn vẹn, có thể bạn phải trải qua những đêm thức trắng để cày việc cho hoàn thành KPI, những lo toan sửa soạn, sắm Tết, lịch tất niên dày đặc, hay dành thời gian thăm hỏi bạn bè... khiến bạn phải thực khuya, dậy sớm.
Chính việc thiếu ngủ, căng thẳng kéo dài có thể làm giảm khả năng tự phục hồi của gan và gây ảnh hưởng không tốt đến chức năng gan.
5. Ít tập thể dục
Với tâm lý ăn chơi hết mình, trong kỳ nghỉ Tết này có thể bạn sẽ dành trọn vẹn thời gian cho vui chơi, tụ tập, chúc tụng nên ít có thời gian tập thể dục, vận động, thậm chí là bỏ qua.
Bên cạnh đó, trong dịp Tết thường có nếp ăn uống, nghỉ ngơi vô tội vạ càng làm tăng gánh nặng cho gan khi chuyển hóa.
Để khởi đầu cho năm mới khỏe mạnh, trọn vẹn, bác sĩ Tùng khuyên người dân nên thực hiện ngay 5 việc làm hữu ích trong dịp Lễ, Tết, gồm:
1. Thực hiện chế độ nghỉ ngơi hợp lý: Ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc để cơ thể có thời gian tái tạo và phục hồi, đặc biệt là lá gan.
2. Sử dụng rượu bia hợp lý: Những người mắc các bệnh lý về gan mật, tiêu hóa nên nói không với bia rượu, người khỏe mạnh sử dụng, bia rượu ở ngưỡng cho phép, chọn các loại vang, rượu nhẹ thay cho rượu mạnh.
Ngoài ra, thay vì rượu bia, có thể sử dụng thức uống là nước ép trái cây, nước lọc, trà thảo mộc hoặc các loại sinh tố từ rau củ quả tươi.
3. Cân đối dinh dưỡng bữa ăn: Trong mỗi bữa ăn cần được bảo đảm đầy đủ các chất dinh dưỡng gồm đường, đạm, chất béo, vitamin và các khoáng chất. Ngoài ra, cần uống đủ từ 1,5-2 lít nước/ngày theo trọng lượng cơ thể.
4. Ăn uống lành mạnh: Hạn chế các món chiên rán, đồ ăn đóng hộp, tăng cường các món hấp, luộc để hạn chế tối đa dầu mỡ vào cơ thể.
5. Duy trì tập thể dục: Dù ngày Tết nhưng bạn không quên "nhiệm vụ" tập thể dục 20-30 phút mỗi ngày giúp cơ thể thêm dẻo dai, săn chắc, từ đó ngăn ngừa các tác động tiêu cực tới lá gan.
Ngoài ra, bác sĩ Tùng lưu ý người dân nếu xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, sụt cân, vàng da, vàng mắt... cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán, điều trị và ngăn ngừa biến chứng có thể diễn ra.
Đọc bài gốc tại đây.