Theo quan chức Iran, thay vì phóng hàng loạt tên lửa, họ đang sử dụng các tên lửa có độ chính xác cao, tiên tiến hơn nhằm vào các trung tâm quân sự và an ninh nhạy cảm của Israel.
Trả lời đài CNN, một quan chức cấp cao của Iran bác tuyên bố của Israel cho rằng kho tên lửa của Iran đã cạn kiệt, buộc Tehran phải giảm bớt các vụ phóng.
Theo vị quan chức này, thay vì phóng hàng loạt tên lửa, Iran đang sử dụng các tên lửa có độ chính xác cao, tiên tiến hơn nhằm vào các trung tâm quân sự và an ninh nhạy cảm của Israel.
Mỹ triển khai tàu sân bay thứ 3 tới gần Trung Đông
Ngày 20-6, một sĩ quan Hải quân cho biết tàu sân bay USS Gerald R. Ford sẽ khởi hành đến châu Âu vào tuần tới. Đây sẽ là tàu sân bay thứ 3 của Mỹ đến gần Trung Đông hơn kể từ khi bùng phát giao tranh Israel và Iran.
Trước đó, nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ đã hoạt động ở Trung Đông từ đầu năm nay, tham gia chiến dịch không quân chống lại lực lượng Houthi tại Yemen.
Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã ra lệnh cho nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz đến Trung Đông, với lý do "duy trì thế phòng thủ của chúng tôi và bảo vệ nhân viên Mỹ".
Trong một diễn biến khác, tờ Times of Israel đưa tin nước này đang có kế hoạch triển khai 1.000 hệ thống trú ẩn di động dọc các tuyến đường trên toàn quốc và nâng cấp hàng trăm hầm trú ẩn công cộng nhằm tăng cường bảo vệ dân thường trước các đợt tấn công từ Iran.
Bộ Quốc phòng Israel cho biết các hệ thống trú ẩn di động sẽ được bố trí "tại các khu vực nhạy cảm trên toàn quốc" và một số khu vực đã bắt đầu tiếp nhận các thiết bị này.
Bên cạnh đó, theo kế hoạch đã được Chính phủ Israel phê duyệt của Bộ Quốc phòng cũng như Bộ Chỉ huy Mặt trận hậu phương, Israel cũng sẽ nâng cấp 500 hầm trú ẩn công cộng, phần lớn nằm tại khu vực miền Trung và cũng là nơi thường xuyên bị Iran tấn công.
Nhiều nước sơ tán công dân
Theo phóng viên TTXVN tại Praha, ngày 21-6, Bộ Ngoại giao CH Séc xác nhận đã sơ tán toàn bộ nhân viên ngoại giao khỏi Đại sứ quán tại Tehran, chuyển đến các nước láng giềng. Ngoại trưởng Jan Lipavský ra quyết định tạm đóng cửa phái bộ từ ngày 19-6 và khuyến cáo công dân Séc rời Iran càng sớm càng tốt, khi đường bộ vẫn còn khả thi.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cũng thông báo tạm đóng cửa Đại sứ quán tại Tehran. Đại sứ Nadine Olivieri Lozano cùng nhóm nhân viên cuối cùng đã rời Iran bằng đường bộ sang Azerbaijan. Phía Thụy Sĩ khẳng định sẽ trở lại Tehran khi điều kiện cho phép và tiếp tục giữ vai trò trung gian giữa Mỹ và Iran, đồng thời kêu gọi các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, quay lại đối thoại.
Ngoại trưởng Ireland Simon Harris cũng thông báo rút nhân viên ngoại giao khỏi Iran sau khi tham vấn với các đối tác Liên minh châu Âu (EU). Các hoạt động ngoại giao của Ireland sẽ được điều phối tạm thời từ thủ đô Dublin.
Trong khi đó, theo tờ The Washington Post, một bức điện ngày 20-6 của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hàng trăm công dân Mỹ đã rời Iran qua đường bộ kể từ khi Israel bắt đầu các cuộc không kích. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó nhấn mạnh Washington không cung cấp hỗ trợ trực tiếp và khuyến nghị công dân tự chủ động rời đi bằng các phương tiện hiện có.
Hiện chưa có con số cụ thể về số lượng công dân Mỹ còn lại tại Iran, song trước đây, giới chức từng ước tính lên tới hàng nghìn người.
Đọc bài gốc tại đây.