Tổng thống Donald Trump cho rằng WHO đã ứng phó sai với Covid-19 và không cải cách để xử lý đại dịch hiệu quả, là một trong những lý do khiến Mỹ rút khỏi tổ chức này.
Trong một sắc lệnh hành pháp được ban hành sau khoảng 8 giờ nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ đưa ra một loạt lý do cho quyết định này. Ông cho rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã "ứng phó sai với Covid-19" và "không thông qua các cải cách cần thiết" để xử lý đại dịch này. Ông nhận định WHO yêu cầu Mỹ "trả những khoản chi phí quá cao một cách bất công", trong khi mức chi trả của Trung Quốc ít hơn. Sắc lệnh cũng nêu rằng WHO tiếp tục yêu cầu Mỹ thanh toán những khoản tiền quá lớn, không tương xứng với những khoản thanh toán của các quốc gia khác.
Theo Washington Post, động thái này không nằm ngoài dự đoán. Trump đã chỉ trích WHO kể từ năm 2020, không đồng tình với cách tiếp cận của tổ chức này đối với Covid-19 và đe dọa sẽ ngừng khoản viện trợ của Mỹ. Tháng 7/2020, ông Trump chính thức thực hiện các bước để rút khỏi WHO. Nhưng sau khi thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng, tiến trình này bỏ ngỏ. Vào ngày đầu tiên nhậm chức, 20/1/2021, cựu Tổng thống Joe Biden đã ngăn chặn sắc lệnh này.
Rời khỏi WHO có ý nghĩa gì với nước Mỹ?
Việc rời khỏi WHO đồng nghĩa Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) không có quyền truy cập vào dữ liệu toàn cầu mà tổ chức này cung cấp. Đây là phần quan trọng để tạo ra thành phần vaccine cúm mùa hàng năm. Khi Trung Quốc mô tả trình tự gene của Covid-19 năm 2020, nước này cũng công bố thông tin cho WHO, sau đó cơ quan y tế Liên Hợp Quốc chia sẻ với các quốc gia khác.
Các chuyên gia y tế toàn cầu cũng nhận định sắc lệnh mới sẽ làm suy yếu khả năng giám sát và ngăn chặn các mối đe dọa sức khỏe ở nước ngoài của CDC Mỹ. "Có những nơi chúng tôi không thể cử các nhà dịch tễ học của CDC đến, vì họ sẽ không được đảm bảo an toàn", tiến sĩ Tom Frieden, người đứng đầu CDC dưới thời chính quyền Obama nhận định.
Các nhà sản xuất thuốc Mỹ cũng mất đi sự hỗ trợ của WHO trong việc đưa sản phẩm ra toàn thế giới, vì tổ chức này có chức năng chứng nhận thuốc, vaccine và thiết bị y tế sử dụng toàn cầu.
Gần đây, cơ quan y tế Liên Hợp Quốc nhận nhiều chỉ trích của những người theo chủ nghĩa bảo thủ khi dự kiến thành lập "hiệp ước đại dịch", nhằm tăng cường sự chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo và thiết lập các chính sách ràng buộc về mặt pháp lý cho các quốc gia thành viên. Theo đó, các nước cần giám sát mầm bệnh, chia sẻ nhanh chóng dữ liệu bùng phát, xây dựng chuỗi cung ứng, sản xuất vaccine và phương pháp điều trị tại địa phương. Các cuộc đàm phán về hiệp ước đã đổ vỡ vào năm ngoái.
Tại Mỹ, một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa coi thỏa thuận này là mối đe dọa đối với chủ quyền. Lawrence O. Gostin, một chuyên gia luật y tế công cộng tại Đại học Georgetown, người đã tham gia đàm phán hiệp ước, cho rằng việc Mỹ rút khỏi WHO sẽ là "một vết thương nghiêm trọng" đối với y tế công cộng, cũng là "vết thương sâu hơn đối với lợi ích và an ninh quốc gia của Mỹ".
Các chuyên gia cho rằng động thái này sẽ làm suy yếu vị thế của Mỹ với tư cách là nước dẫn đầu về y tế toàn cầu và gây khó khăn hơn trong việc chống lại đại dịch tiếp theo. Quyết định có thể gây tổn thất hàng trăm triệu đô la cho ngân sách cốt lõi của tổ chức này. Hiện Mỹ cung cấp khoảng một phần tư ngân sách dưới dạng phí thành viên bắt buộc, trên thực tế có thể nhiều hơn. Con số dao động từ 163 triệu USD đến 816 triệu USD trong những năm gần đây, theo Tổ chức Nghiên cứu Chính sách Y tế (KFF).
Mất nguồn ngân sách từ Mỹ có thể là rào cản đối với khả năng ứng phó nhanh chóng và hiệu quả của WHO đối với các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm và các trường hợp khẩn cấp khác trên toàn thế giới.
Được thành lập vào năm 1948 với sự giúp đỡ của Mỹ, WHO là cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc có nhiệm vụ "đối mặt với những thách thức y tế lớn nhất trong thời đại và cải thiện đáng kể sức khỏe của người dân trên thế giới". WHO viện trợ cho các khu vực bị chiến tranh tàn phá như Gaza, theo dõi các dịch bệnh mới nổi như Zika, Ebola và Covid-19. Ngân sách hàng năm của WHO là khoảng 6,8 tỷ USD, trong đó Mỹ đóng góp một phần lớn.
Theo ông Gostin, Mỹ sẽ mất một thời gian để rút lui. Theo nghị quyết chung do Quốc hội thông qua, nếu muốn rút khỏi WHO, Mỹ phải thông báo trước một năm và thanh toán các nghĩa vụ tài chính của mình cho tổ chức trong năm tài chính hiện tại.
Thục Linh
Đọc bài gốc tại đây.