Ung thư cổ tử cung , một trong những bệnh phổ biến ở phụ nữ, ngày càng trẻ hóa, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe và tính mạng của hàng...
Ung thư cổ tử cung, một trong những bệnh phổ biến ở phụ nữ, ngày càng trẻ hóa, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe và tính mạng của hàng ngàn phụ nữ Việt Nam. Trước đây, thường gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi, nay nhiều cô gái ngoài 20 đã phải đối mặt với căn bệnh này.
Những câu chuyện đau lòng
Nguyễn Thị Hải (23 tuổi, huyện Hoài Đức, Hà Nội - tên nhân vật đã thay đổi) chưa từng nghĩ rằng một lần tầm soát tình cờ lại thay đổi cuộc đời mình. Kết quả sinh thiết cho thấy cô đang ở giai đoạn tiền ung thư cổ tử cung, dù không hề có triệu chứng bất thường nào.
“Nếu không đi khám, có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ biết mình đang đối diện với hiểm họa này”, Hải bàng hoàng chia sẻ.
Ở tuổi 25, chị Nguyễn Bích Hà (quận Thanh Xuân, Hà Nội) phát hiện mình mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn 2. Trước đó, chị gặp các triệu chứng như khí hư ra nhiều, đau và chảy máu sau quan hệ, nhưng chủ quan nghĩ rằng đó chỉ là vấn đề nhỏ.
“Tôi không tin nổi khi bác sĩ chẩn đoán. Tôi chưa lập gia đình, chưa có con, nhưng giờ đây mọi thứ như sụp đổ”, chị Hà nghẹn ngào.
Câu chuyện của chị Lê Bích Liên (30 tuổi, Ninh Bình - tên nhân vật đã thay đổi) lại càng khiến người nghe xót xa. Ở giai đoạn 3 của ung thư cổ tử cung, chị phải vật lộn với những cơn đau từ hóa trị và xạ trị. Nhưng điều đau đớn nhất với chị không phải là bệnh tật, mà là nhìn đứa con gái chưa đầy 2 tuổi phải xa mẹ, sống cùng ông bà trong khi chị chiến đấu với căn bệnh.
Ung thư cổ tử cung - hiểm họa không chừa một ai
Theo báo cáo của Globocan năm 2020, Việt Nam ghi nhận hơn 4.100 ca ung thư cổ tử cung mới và hơn 2.200 ca tử vong. Điều đáng lo ngại là căn bệnh này đang trẻ hóa với nhiều trường hợp ở độ tuổi đôi mươi.
Bác sĩ Trần Đức Cung từ Bệnh viện Ung Bướu Hưng Việt cho biết: “Chúng tôi đã gặp không ít bệnh nhân chỉ mới 21 - 25 tuổi mắc tiền ung thư và ung thư cổ tử cung”.
Ung thư cổ tử cung tiến triển âm thầm, không có dấu hiệu rõ ràng ở giai đoạn đầu. Nguyên nhân chính là virus HPV, lây qua đường tình dục mà không biểu hiện lâm sàng. Ở giai đoạn muộn, người bệnh phải chịu đựng điều trị đau đớn và tốn kém. Những triệu chứng như chảy máu bất thường sau quan hệ, thay đổi dịch âm đạo, đau vùng bụng dưới… là những dấu hiệu cần được kiểm tra ngay lập tức.
“Ung thư cổ tử cung không chỉ là bệnh của phụ nữ trung niên. Những câu chuyện đau lòng từ những người trẻ là lời cảnh báo: căn bệnh này có thể tấn công bất cứ ai, không phân biệt tuổi tác hay lối sống. Hãy chủ động bảo vệ bản thân và người thân yêu của bạn bằng những hành động đơn giản nhưng thiết thực: Tiêm phòng HPV, kiểm tra sức khỏe định kỳ, nâng cao ý thức về phòng ngừa bệnh. Đừng để sự chủ quan ngày hôm nay trở thành nỗi đau dai dẳng của ngày mai”, Bác sĩ Trần Đức Cung khuyên.
Đọc bài gốc tại đây.