Quảng Bình - Ở xã biên giới Trường Sơn, bác sĩ Hồ Puôn, một người đồng bào Bru - Vân Kiều, vẫn ngày đêm tận tụy cống hiến để chăm...
Quảng Bình - Ở xã biên giới Trường Sơn, bác sĩ Hồ Puôn, một người đồng bào Bru - Vân Kiều, vẫn ngày đêm tận tụy cống hiến để chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Hành trình từ bản nghèo đến giảng đường đại học
Sinh ra tại bản Đá Chát (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), bác sĩ Hồ Puôn (SN 1977) lớn lên trong những năm tháng đầy khó khăn. Gia đình nghèo khó, nhưng sự động viên của cha mẹ đã giúp anh vững bước đến trường.
Ngay từ nhỏ, Hồ Puôn đã hiểu rằng chỉ có học vấn mới giúp bản thân và dân làng thoát khỏi cái nghèo, cái lạc hậu.
Con đường học tập của anh không hề dễ dàng. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, Hồ Puôn là người duy nhất trong xã khăn gói rời bản xuống trường Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình để học cấp 2 và cấp 3. Những ngày đi bộ hàng chục cây số đường rừng, ăn đói mặc rét, vẫn không làm anh chùn bước.
Anh từng mơ ước trở thành lính biên phòng hay kiểm lâm để bảo vệ quê hương, nhưng chính những lần chứng kiến đồng bào bệnh nặng, không thể chữa trị vì tin vào cúng bái đã thôi thúc anh chọn con đường y học. Quyết định này đã đưa anh từ bản nghèo đến giảng đường Đại học Y Thái Nguyên - nơi anh học tập để mang ánh sáng y học về cho quê hương.
Sau khi tốt nghiệp Đại học, Hồ Puôn trở về Quảng Bình và công tác tại Phòng Y tế huyện Quảng Ninh. Mặc dù làm việc tại trung tâm huyện, nhưng anh vẫn dành thời gian cuối tuần vượt hàng chục cây số đường rừng để về bản khám bệnh cho bà con.
Năm 2015, anh chính thức chuyển công tác về Trạm Y tế xã Trường Sơn - nơi anh hằng mong muốn cống hiến. Từ đó, bác sĩ Hồ Puôn không chỉ chăm sóc sức khỏe cho đồng bào mà còn đóng vai trò người truyền cảm hứng, giúp dân làng thay đổi nhận thức.
“Tôi xin được về bản làng, nơi tôi muốn cống hiến từ những ngày đầu đi học. Chứng kiến sự đổi thay trong nhận thức và cuộc sống của bà con, tôi cảm thấy những nỗ lực của mình thật sự ý nghĩa” - bác sĩ Puôn chia sẻ.
Những câu chuyện không quên trên hành trình y đức
Chặng đường công tác tại xã biên Trường Sơn của bác sĩ Hồ Puôn không thiếu những câu chuyện cảm động. Anh đã quen với việc luồn rừng, vượt suối vào những bản xa như Dốc Mây hay Ploang để khám bệnh.
Một kỷ niệm anh nhớ mãi chính là lần anh đến thăm gia đình chị Thi Nan ở bản Ploang. Chị Nan mang thai nhưng bị lưu thai và không chịu nhập viện vì điều kiện khó khăn.
Thấy tình trạng nguy cấp, anh lập tức đưa chị ra viện bằng mọi cách, đồng thời kêu gọi anh em trong đoàn quyên góp hỗ trợ kinh phí nhập viện. Nhờ xử lý kịp thời, chị đã hồi phục và không quên cảm ơn anh khi trở về. Với anh, những giây phút ấy chính là phần thưởng lớn nhất của một người làm nghề y.
Một trong những thành tựu lớn nhất của bác sĩ Hồ Puôn không chỉ là việc chữa bệnh, mà còn là giúp đồng bào Bru - Vân Kiều dần từ bỏ những hủ tục lạc hậu như tin vào ma rừng, ma thuốc độc, hay chữa bệnh bằng cúng bái.
Nhờ sự kiên trì tuyên truyền và chăm sóc sức khỏe tận nơi, người dân ngày càng tin tưởng vào y học hiện đại. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền và lực lượng biên phòng, những thôn bản nơi đây đã có nhiều đổi thay tích cực.
Với bác sĩ Hồ Puôn, gắn bó với bản làng và cống hiến hết mình cho sức khỏe của đồng bào là sứ mệnh mà anh tự hào. Anh chia sẻ: "Gắn bó với mảnh đất, con người nơi đây và đặt hết cái tâm vào nghề y để chăm lo sức khỏe cho bà con là sứ mệnh mà tôi rất tự hào. Tôi chỉ mong bà con ngày càng khỏe mạnh, thoát nghèo và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Đọc bài gốc tại đây.