Chỉ vì tin lời một người lạ tự xưng quen người nhà, người phụ nữ dân tộc Tày mất sạch 5 triệu đồng mang theo đi viện .
Chỉ vì tin lời một người lạ tự xưng quen người nhà, người phụ nữ dân tộc Tày mất sạch 5 triệu đồng mang theo đi viện.
Ngày 24.6, thông tin từ Bệnh viện Sản Trung ương, vào 19.6.2025, chị H.T. T, 41 tuổi, dân tộc Tày, quê Ba Bể, Bắc Kạn cùng con gái xuống Bệnh viện Phụ Sản Trung ương khám bệnh.
Chị T mắc bệnh tim, mới phẫu thuật thay van hai lá, sức khỏe yếu, rong kinh kéo dài gần 20 ngày khiến thiếu máu nặng, bạch cầu tăng cao. Gia đình làm nông, thu nhập bấp bênh, mọi chi phí điều trị là gánh nặng lớn. Trong lúc mệt mỏi chờ khám, một phụ nữ lạ tiếp cận, tự xưng “quen người nhà” và hứa lo thủ tục nhập viện. Tin lời, chị đưa 5 triệu đồng – gần như cả gia tài gom góp – nhưng người kia đã biến mất.
Nhận ra bị lừa, chị T như ngã quỵ. Hiểu được hoàn cảnh éo le, nhân viên khoa Khám bệnh, phòng Công tác xã hội và đội bảo vệ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhanh chóng phối hợp thu thập thông tin, đồng thời vận động quyên góp, hỗ trợ chị gần 8 triệu đồng. Bệnh viện đã điều xe cấp cứu đưa chị sang Bệnh viện Tim Hà Nội khám, hội chẩn rồi trở về nhập viện an toàn tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương.
Tại khoa Phụ Ngoại, các cán bộ công tác xã hội tiếp tục động viên mẹ con chị T, hỗ trợ khẩn cấp thủ tục nhập viện, cấp phát suất ăn miễn phí và làm hồ sơ miễn giảm viện phí để san sẻ gánh nặng tài chính. Các bác sĩ đã hội chẩn và cho chị nhập viện ngay trong ngày để điều trị polyp buồng tử cung – nguyên nhân gây rong kinh, thiếu máu nghiêm trọng.
Câu chuyện của chị Trang là lời cảnh tỉnh về những chiêu ừa đảo tinh vi, nhưng cũng là minh chứng cho tinh thần sẻ chia, nhân văn mà Bệnh viện Phụ Sản Trung ương gìn giữ suốt nhiều năm qua.
Bệnh viện khuyến cáo người bệnh và người nhà cần cảnh giác, chỉ tiếp nhận thông tin, hướng dẫn từ nhân viên y tế chính thức, không nghe theo người lạ để tránh mất mát không đáng có cả về tiền bạc, sức khỏe và cơ hội điều trị kịp thời.
GS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Trung ương - cho biết tình trạng “cò” bệnh viện vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng uy tín và gây phiền hà cho người bệnh.
Ông nêu rõ, các “cò” thường lôi kéo, môi giới bệnh nhân ngay trong hoặc quanh bệnh viện, chào mời dịch vụ giá cao, gây khó khăn cho người bệnh tiếp cận thông tin chính xác, thậm chí làm giả giấy tờ để trục lợi, làm xấu hình ảnh bệnh viện.
Để ngăn chặn, bệnh viện đã siết chặt quản lý người ra vào, phối hợp công an xử lý, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân cảnh giác, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Giáo sư Ánh khẳng định, xóa bỏ “cò” cần sự chung tay của bệnh viện, chính quyền và người dân, kêu gọi người bệnh tố giác kịp thời để giữ môi trường khám chữa bệnh an toàn, minh bạch.
Đọc bài gốc tại đây.