Những lưu ý kiểm soát axit uric bằng chế độ dinh dưỡng

22/01 07:42
 

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nồng độ axit uric , đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao mắc bệnh gout.

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nồng độ axit uric, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao mắc bệnh gout.

Lượng axit uric trong máu tăng cao thường liên quan đến chế độ ăn uống giàu purin - một hợp chất được chuyển hóa thành axit uric trong cơ thể. Vì vậy, việc điều chỉnh dinh dưỡng là biện pháp hiệu quả để giảm thiểu tình trạng này.

Nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard, khuyến cáo hạn chế tiêu thụ thịt đỏ (như thịt bò, thịt cừu) và nội tạng động vật, vốn chứa hàm lượng purin cao. Hải sản như cá mòi, cá cơm, sò cũng nên được giảm thiểu. Nghiên cứu đăng trên tạp chí Arthritis & Rheumatology chỉ ra rằng, tiêu thụ quá mức các loại thực phẩm này làm tăng đáng kể nồng độ axit uric. Bên cạnh đó, đồ uống có cồn, đặc biệt là bia, làm giảm khả năng đào thải axit uric qua thận, dẫn đến sự tích tụ trong máu.

Để hạn chế được tình trạng này, các chuyên gia nhận định, người có chỉ số axit uric cao cần ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm giàu vitamin C (cam, kiwi, ớt chuông), giúp giảm nồng độ axit uric trong máu bằng cách tăng khả năng bài tiết qua nước tiểu. Chất xơ từ ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh (cải bó xôi, bông cải xanh) cũng đóng vai trò tích cực, hỗ trợ cơ thể cân bằng axit và giảm viêm. Nghiên cứu từ Đại học Johns Hopkins khuyến nghị bổ sung sữa ít béo hoặc không béo vì protein từ sữa có khả năng thúc đẩy quá trình bài tiết axit uric.

Nước giúp đào thải axit uric hiệu quả, uống đủ nước (khoảng 2-3 lít mỗi ngày) làm giảm nguy cơ mắc bệnh gout tới 40%. Thêm vào đó, cà phê và trà xanh, khi tiêu thụ ở mức vừa phải, có thể giảm nồng độ axit uric nhờ các hợp chất chống oxy hóa.

Một thói quen ăn uống mà nhiều người mắc phải là tiêu thụ quá nhiều đồ uống ngọt hoặc thực phẩm chế biến sẵn. Điều này vô cùng nguy hiểm, bởi trong những nhóm thực phẩm đó chứa rất nhiều fructose dẫn tới làm tăng sản xuất axit uric. Nghiên cứu từ BMJ Open cho thấy, giảm tiêu thụ đường fructose là bước quan trọng để kiểm soát nồng độ axit uric.

Đọc bài gốc tại đây.