Nhiều người nhập viện vì cúm mùa biến chứng viêm phổi

24/04 12:00
 

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp nhận nhiều người viêm phổi, suy hô hấp dương tính với cúm A, B, khoảng hai tháng nay, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thạc sĩ, bác sĩ Phùng Thị Thơm, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thông tin, thêm rằng thời điểm giao mùa tháng 3, 4 ở miền Bắc, độ ẩm tăng cao, tạo điều kiện cho virus cúm mùa phát triển. Thời gian giao mùa năm nay dài hơn kèm theo thời tiết nóng - lạnh đan xen khiến tỷ lệ mắc cúm gia tăng, bệnh kéo dài hơn.

Cúm là bệnh viêm nhiễm đường hô hấp phổ biến, có thể gặp ở trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Thơm, người trưởng thành thường có tâm lý chủ quan, nghĩ bệnh không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, không chữa kịp thời, dễ biến chứng. Nhiều người tự điều trị tại nhà không khỏi, đi khám mới phát hiện viêm phổi biến chứng trên nền cúm mùa.

Như bà Hanh, 67 tuổi, có biểu hiện mệt mỏi như say nắng, sau đó đau rát cổ, sổ mũi, hắt hơi liên tục. Bà nghĩ viêm họng, song tình trạng không cải thiện sau 6 ngày. Bà có thêm dấu hiệu sốt cao, khó thở, tức ngực, đau ê ẩm người.

Bác sĩ bệnh viện Tâm Anh chẩn đoán bà Hanh mắc cúm A, tổn thương phổi, suy hô hấp, chỉ định điều trị nội trú. "Tôi mệt mỏi, sốt không dứt, cảm giác đau buốt xương, không nghĩ cúm mệt thế", bà nói.

Bác sĩ Thơm cho biết những người bệnh cúm có biểu hiện cấp tính đường hô hấp trên như ho, khó thở, đờm ở mũi, họng. Các dịch tiết và tác nhân gây bệnh có thể xâm nhập vào phổi qua khí quản, gây bội nhiễm đường hô hấp dưới dẫn tới viêm phế quản, viêm phổi.

Anh Khương, 52 tuổi, nhập viện vì cúm A, có biến chứng viêm phổi. Anh hút thuốc lâu năm, được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Trước đó, khi có dấu hiệu bị cúm, anh mua thuốc giảm ho, hạ sốt uống tại nhà, tình trạng không giảm. Đến ngày thứ 4, anh ho ra đờm vàng, đau tức ngực, khò khè, sốt cao hơn 39 độ không hạ sốt.

Cúm A thường xuất hiện đột ngột và dễ nhận biết như ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ thể. Các triệu chứng này có thể tự hết mà không cần điều trị. Tuy nhiên, một số người có hệ miễn dịch kém như trẻ em, người lớn tuổi, thai phụ, người bệnh hô hấp mạn tính, nguy cơ mắc cúm và biến chứng gia tăng.

Khi triệu chứng kéo quá dài trên 10 ngày, người có bệnh mạn tính, tăng nặng hơn nên đến khám. Một số biểu hiện cúm trở nặng hơn bao gồm cảm giác khó chịu, lờ đờ, khó thở, tức ngực, nhịp thở nhanh. Nặng nhất là người bệnh môi tím tái, chân tay lạnh, tụt huyết áp... Ho ra đờm vàng hoặc xanh, sốt cao và đau ở ngực khi hít thở sâu là dấu hiệu cảnh báo viêm phổi.

Trong giai đoạn giao mùa, thời tiết đan xen đợt nóng, lạnh khiến cơ thể khó thích nghi. Bác sĩ Thơm khuyến cáo mọi người nên tiêm vaccine cúm hàng năm. Vaccine cúm có thể giảm tỷ lệ tử vong do cúm 70-80%, ngăn ngừa nhiễm bệnh và giảm 60% biến chứng. Tăng cường sức đề kháng bằng việc tập luyện thể dục. Người bệnh hô hấp mạn tính nên chọn môn thể thao có cường độ hoạt động vừa phải, không cần gắng sức để tránh tái phát.

Virus cúm có thể lây lan qua đường hô hấp, tiếp xúc bề mặt. Nên thường xuyên rửa tay bằng dung dịch cồn hoặc xà phòng tiệt trùng sau khi cầm nắm đồ vật hoặc đến nơi công cộng. Đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người nghi mắc cúm. Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc với dung dịch sát khuẩn, mở cửa sổ thông thoáng.

Khuê Lâm

* Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.