Nước bôi trơn và bảo vệ các khớp, không chỉ là giải khát

19/01 07:28
 

Nhiều người có thói quen chỉ uống nước khi khát, hay nghĩ rằng nước chỉ có vai trò duy trì cân bằng điện giải cơ thể mà không biết rằng nước còn có rất nhiều vai trò khác. Trong đó, nước có vai trò quan trọng trong bôi trơn và bảo vệ các khớp.

Nước có rất nhiều vai trò quan trọng

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, chủ nhiệm khoa phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay nước là thành phần thiết yếu của cơ thể, chiếm khoảng 60% trọng lượng người trưởng thành. 

Nó không chỉ là dung môi cho nhiều phản ứng hóa học trong cơ thể mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống và các chức năng sinh lý.

Theo đó, nước có vai trò như:

- Duy trì cân bằng nội môi: Nước giúp duy trì cân bằng điện giải và áp suất thẩm thấu, giúp các tế bào hoạt động bình thường.

- Điều hòa nhiệt độ cơ thể: Điều hòa nhiệt độ cơ thể thông qua quá trình thoát mồ hôi và hô hấp, đặc biệt khi cơ thể phải đối mặt với nhiệt độ cao.

- Hỗ trợ tiêu hóa: Nước là thành phần chính của nước bọt và dịch tiêu hóa, giúp phân giải và hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thực phẩm.

- Thải độc và bài tiết: Thận sử dụng nước để lọc bỏ các chất thải và độc tố ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Nước cũng hỗ trợ bài tiết qua mồ hôi và hơi thở.

- Hỗ trợ vận chuyển các chất dinh dưỡng: Nước là môi trường vận chuyển các chất dinh dưỡng, oxy và hormone đến các tế bào trong cơ thể.

Bên cạnh đó, nước còn có vai trò bôi trơn và bảo vệ các khớp. Nước là thành phần chính của dịch khớp, giúp bôi trơn các khớp và bảo vệ các mô mềm như mắt, miệng và cơ quan sinh sản.

Theo các chuyên gia, mất nước có thể gây ra đau khớp vì cơ thể không chỉ thiếu nước mà còn thiếu cả các chất điện giải.

Chất điện giải bao gồm các khoáng chất thiết yếu như natri, canxi, kali, magie... đóng vai trò quan trọng đối với chức năng thể chất bao gồm chức năng của hệ thần kinh, huyết áp, co cơ và bôi trơn các khớp.

Vì vậy, tình trạng mất nước khiến cơ thể không có đủ nước và khoáng chất để hoạt động bình thường. Điều này ảnh hưởng đến cơ xương khớp của cả người bị và không bị viêm khớp.

Uống thiếu nước hay thừa nước đều không tốt

Cụ thể, việc cung cấp quá dư thừa nước có thể dẫn đến ngộ độc nước (Hyponatremia): Uống quá nhiều nước trong thời gian ngắn có thể làm loãng nồng độ natri trong máu, dẫn đến tình trạng hyponatremia, từ đó gây ra các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, và thậm chí có thể dẫn đến hôn mê hoặc tử vong trong các trường hợp nghiêm trọng.

  • Uống nước cho đúng, đủ không phải ai cũng biết

Tăng gánh nặng cho thận, khi thận phải làm việc nhiều hơn để lọc bỏ lượng nước dư thừa, có thể gây ra mệt mỏi và ảnh hưởng đến chức năng thận nếu tình trạng này kéo dài.

Cung cấp không đủ nước sẽ làm mất nước. Việc thiếu nước dẫn đến mất nước, gây ra các triệu chứng như khát nước, khô miệng, mệt mỏi, và giảm hiệu suất thể chất. Trong trường hợp nặng, mất nước có thể dẫn đến chóng mặt, nhịp tim nhanh, và ngất xỉu.

Bên cạnh đó, thiếu nước có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận, do nước giúp làm loãng nồng độ các khoáng chất trong nước tiểu. Gây táo bón, da khô và mất sức sống.

Uống bao nhiêu nước là đủ?

Theo PGS Tuấn, nhu cầu nước của mỗi người có thể khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, giới tính, cân nặng, mức độ hoạt động thể chất, và môi trường.

Người trưởng thành: khoảng 2-3 lít nước mỗi ngày (tương đương 8-12 cốc nước). Điều này bao gồm cả nước từ thức ăn và đồ uống.

Phụ nữ: Khoảng 2.7 lít (khoảng 11 cốc) nước mỗi ngày.

Nam giới: Khoảng 3.7 lít (khoảng 15 cốc) nước mỗi ngày.

Lưu ý nguồn nước từ thực phẩm sẽ chiếm khoảng 20-30% lượng nước tiêu thụ hàng ngày có thể đến từ thực phẩm như trái cây, rau củ và các món ăn có hàm lượng nước cao.

PGS Tuấn khuyến cáo hãy duy trì thói quen uống nước đều đặn trong suốt cả ngày, không chỉ khi cảm thấy khát. Điều này giúp cơ thể duy trì cân bằng nước ổn định.

Chọn nước lọc: nước lọc là lựa chọn tốt nhất để cung cấp đủ nước cho cơ thể. Tránh uống quá nhiều nước có chứa đường hoặc chất tạo ngọt, như soda và nước ngọt, vì chúng có thể gây tăng cân và các vấn đề sức khỏe khác.

Theo dõi màu sắc nước tiểu: màu sắc nước tiểu có thể là một chỉ số tốt cho tình trạng hydrat hóa của bạn. Nước tiểu màu vàng nhạt hoặc trong suốt là dấu hiệu bạn đã uống đủ nước, trong khi nước tiểu màu sẫm có thể là dấu hiệu của việc thiếu nước.

Tránh uống quá nhiều nước trong thời gian ngắn: Điều này có thể gây ngộ độc nước. Hãy uống nước từ từ trong suốt cả ngày, thay vì uống nhiều nước cùng một lúc.

Đọc bài gốc tại đây.