Phim bom tấn Việt: Không có hay không cần?

25/05 14:21
 

'Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh' có thể coi là phim bom tấn theo tiêu chí riêng của thị trường Việt Nam, nhưng 'Nhà bà Nữ' hay 'Bố già' thì không.

Trong ngành công nghiệp điện ảnh thế giới, khái niệm "phim bom tấn" thường ám chỉ một bộ phim có kinh phí lớn, được sản xuất bởi một hãng phim lớn, có quy mô sản xuất lớn và thường đạt thành công lớn về mặt thương mại.

Ở Việt Nam, khái niệm này vẫn còn mơ hồ và chưa có định nghĩa rõ ràng.

Đạo diễn, nhà sản xuất Hằng Trịnh

Nhiều nhà sản xuất phim Việt thích làm những dự án nhỏ xinh vì họ chỉ tập trung vào câu chuyện

Việt Nam chưa có phim bom tấn theo chuẩn quốc tế

Theo nhà sản xuất Hằng Trịnh - CEO của Skyline Media, để được coi là "bom tấn" trong thị trường điện ảnh Việt Nam, phim cần hội tụ nhiều yếu tố chất lượng, từ nhà sản xuất, đạo diễn, ngôi sao, ngân sách sản xuất, thể loại câu chuyện. Càng nhiều yếu tố trong số 5 yếu tố này lớn thì nó càng "bom tấn", nghĩa là nhiều tiềm năng được chú ý.

Nhà sản xuất Hằng Trịnh nói: "Thể loại chuyện phim đóng vai trò quan trọng để xét về tiêu chí đánh giá phim bom tấn. Ví dụ, một phim thuộc thể loại hài lãng mạn sẽ khó được coi là "bom tấn" vì thường dòng phim này có số vốn đầu tư vừa phải, kịch bản dễ thương, nhẹ nhàng, không cần nhiều kỹ xảo đồ hoạ.

Còn những phim có yếu tố lịch sử hay giả tưởng, chỉ cần nghe tóm tắt nội dung cũng cảm thấy cần mức kinh phí sản xuất lớn, độ đầu tư cao trong nhiều công đoạn, xứng đáng với hai từ "bom tấn".

Trong khi đó, nhà quay phim Lý Thái Dũng cho rằng: "Điện ảnh Việt Nam chưa thực sự có phim "bom tấn" nếu xét trên khái niệm "bom tấn" đúng nghĩa ở nước ngoài. Có chăng đây chỉ yếu tố thêm vào, giúp phim được chú ý hơn khi ra rạp. Đây thường là những phim có mức đầu tư cao hơn mặt bằng chung, gấp 3, 4 hoặc 5 lần.

Đề tài các phim này liên quan đến những nhân vật, sự kiện lớn, nóng hổi, bối cảnh hoành tráng, đông diễn viên. Ngoài ra, những bộ phim sở hữu ê kíp tên tuổi, cùng dàn diễn viên nổi tiếng góp mặt, cũng có thể được xếp vào hàng "bom tấn" khi quảng bá phim".

Dòng máu anh hùng - bộ phim hành động dã sử của đạo diễn Charlie Nguyễn có kinh phí khoảng 1,5 triệu USD, ra mắt năm 2007 - có thể coi là phim bom tấn Việt đầu tiên. Khi đó, kinh phí làm đa số phim giải trí ở Việt Nam mới dừng ở mức trên dưới 5 tỉ đồng.

Gần đây, một số phim điện ảnh Việt có thể xếp vào hàng "bom tấn" theo tiêu chí của thị trường trong nước, dựa vào những yếu tố kể trên là: Trạng Tí, Em và Trịnh, Thanh Sói, Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh… Sắp tới có thể có: Quỳnh Hoa Nhất Dạ, Công tử Bạc Liêu, Người vợ cuối cùng…

Còn Nhà bà Nữ hay Bố già của Trấn Thành, dù có doanh thu hàng trăm tỉ đồng và đang là 2 phim ăn khách nhất Việt Nam, cũng không thể xếp vào dạng phim bom tấn. Vì về câu chuyện, quy mô hay kinh phí, 2 phim này đều không phù hợp với các tiêu chí.

Điện ảnh Việt có cần phim "bom tấn"?

Dù năm nào điện ảnh Việt cũng luôn có những dự án đầu tư lớn, thu hút sự chú ý của công chúng, nhưng theo nhà sản xuất Hằng Trịnh, để làm một dự án "bom tấn" cần nhiều yếu tố, không phải lúc nào mọi thứ cũng sẵn sàng và không phải nhà sản xuất nào cũng phù hợp để làm dạng phim kiểu này.

Hằng Trịnh cho biết: "Nhiều nhà sản xuất phim Việt thích làm những dự án nhỏ xinh vì họ chỉ tập trung vào câu chuyện. Ở Mỹ mỗi năm sản xuất cả nghìn phim nhưng đa phần cũng chỉ vài chục phim được biết tới rộng rãi. Nếu chỉ nhìn bề nổi, không thể đánh giá được hết thị trường. Tương tự, ở Việt Nam cũng vậy, số phim bom tấn cũng không phải là tất cả thị trường".

Theo chị, thị trường phim Việt nên có đa dạng từ phim nhỏ đến phim lớn, từ độc lập đến thương mại để khán giả có nhiều sự lựa chọn hơn. Điều quan trọng là các nhà làm phim tìm được thiết kế vừa vặn với câu chuyện muốn kể.

Đồng quan điểm, nhà quay phim Lý Thái Dũng cho rằng: "Thị trường sẽ quyết định việc sản xuất phim lớn hay nhỏ. Ở đâu cũng vậy, một thị trường phim phát triển là một thị trường có đa dạng các món ăn, với nhiều hương vị khác nhau, mức độ đầu tư sản xuất khác nhau".

Mặc dù vậy, vẫn có những các nhà làm phim Việt Nam ấp ủ giấc mơ được sản xuất những bộ phim kinh phí lớn, quy mô lớn, kể về những sự kiện trọng đại trong lịch sử Việt Nam hay thuộc thể loại khoa học viễn tưởng... Những bộ phim đó vẫn còn hiếm hoi ở Việt Nam vì vấn đề kinh phí, kịch bản và trình độ sản xuất.

Trong tương lai, cần khẳng định điện ảnh Việt vẫn rất cần phim bom tấn, những bom tấn đúng nghĩa và chinh phục được khán giả nhiều thế hệ.

Đọc bài gốc tại đây.