Phòng bệnh tiêu hóa cho trẻ mùa nắng nóng

04/05 11:00
 

Con tôi 7 tuổi, có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Mùa nóng, tôi nên chăm sóc con thế nào, khi nào cần đến bệnh viện và phòng bệnh ra sao? (Nguyễn Hương, TP HCM)

Trả lời:

Trẻ bị rối loạn tiêu hóa thường có triệu chứng điển hình như nôn, tiêu chảy, táo bón. Trẻ còn đi tiêu nhiều hơn bình thường, phân nhiều nước. Bạn nên chú ý dấu hiệu con mất nước gồm khát nước, đòi uống nước và cho con bù nước.

Trong những ngày con bệnh, bạn cần cung cấp đủ dinh dưỡng gồm đủ nhóm chất đạm (thịt gà, nạc lợn, thịt bò); tinh bột (gạo trắng, bánh mì, khoai tây); rau xanh. Nên ninh nhừ thành súp, cháo, luộc hoặc hấp, có thể kết hợp một ít gừng tươi để tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ. Hạn chế các món chiên rán nhiều dầu mỡ vì gây khó tiêu và khiến tiêu chảy nặng hơn. Bạn cho bé ăn thêm sữa chua, các loại trái cây giàu dưỡng chất bổ sung điện giải, chất xơ như chuối, hồng xiêm, ổi, táo.

Trong quá trình chăm sóc, bạn cần chú ý số lần con đi ngoài, tình trạng phân để kiểm tra mức độ mất nước nhiều hay ít. Trẻ mất nước nghiêm trọng có thể gây suy giảm tuần hoàn, sốc, nguy hiểm tính mạng. Tình trạng rối loạn điện giải khiến bé co giật, hôn mê, suy thận cấp.

Khi trẻ đi ngoài phân lỏng như nước, có dịch nhầy lẫn máu hoặc phân đen, mùi hôi khó chịu, bạn đưa con đến bệnh viện ngay. Bé bị sốt cao trên 39 độ C, đi tiêu kéo dài, không đi tiểu trong vòng ba giờ, khóc không có nước mắt, môi khô (biểu hiện mất nước), mắt trũng sâu (biểu hiệu mất nước rối loạn điện giải) cũng cần đến viện khám và điều trị kịp thời.

Đa số trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy đều có liên quan mật thiết với chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là thức ăn không được chế biến cẩn thận, nhiễm vi khuẩn hay có ký sinh trùng. Trẻ bị dị ứng không thể chuyển hóa protein hay không dung nạp các loại đường cũng có thể là nguyên nhân gây tiêu chảy. Ăn uống không khoa học, quá dồn dập, nhiều thức ăn tác động xấu đến hệ tiêu hóa...

Mùa nắng nóng là điều kiện thuận lợi khiến thực phẩm dễ nhiễm khuẩn. Thức ăn lưu trữ trong tủ lạnh không đảm bảo nhiệt độ, vệ sinh có thể dẫn đến nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, tổn thương gan, thận.

Để phòng bệnh cho trẻ, bạn nên mua thực phẩm có nguồn gốc uy tín, đảm bảo chất lượng, chế biến đủ ăn trong bữa, hạn chế tích trữ thức ăn đã chế biến trong tủ lạnh. Hạn chế cho trẻ ăn thức ăn đường phố vì chế biến không đảm bảo và bày biện bên ngoài không khí nhiều khói bụi.

TS.BS Đỗ Thị Hạnh

Khoa Nhi, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.