Phòng thủy đậu, sởi sau Tết

02/02 08:00
 

Thời tiết giao mùa đông xuân sau Tết là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh thủy đậu, sởi phát triển và gây bệnh, nên chủ động phòng ngừa trong đó có vaccine.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, khuyến cáo như trên trong bối cảnh toàn quốc ghi nhận rải rác số nhiễm sởi, thủy đậu. Báo cáo của Bộ Y tế trong 6 ngày 25-30/1, toàn quốc có gần 1.000 ca sốt phát ban nghi sởi. Về thủy đậu, một số ổ dịch đã xuất hiện sớm từ tháng 12.

Theo bác sĩ Khanh, đây là các bệnh có khả năng cao bùng phát thành các vụ dịch, số nhiễm mới tăng nhanh chóng. Mầm bệnh có thể thuận lợi lây truyền khi người dân đi làm trở lại, tham gia lễ hội và tiếp xúc nhiều người sau Tết. Bên cạnh đó, việc người dân thay đổi thói quen sinh hoạt khiến cơ thể chưa kịp thích nghi, cũng là yếu tố thuận lợi khiến mầm bệnh dễ tấn công cơ thể.

Hôm 26/12, Bộ Y tế dự báo dịch bệnh truyền nhiễm còn diễn biến phức tạp trong năm 2025. Trong đó, bệnh sởi và một số bệnh dự phòng bằng vaccine nguy cơ gia tăng số mắc khi tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt bao phủ cần thiết.

Do đó, bác sĩ Khanh lưu ý thời điểm sau Tết, người dân cần duy trì hoạt động tiêm chủng, trong đó có vaccine phòng thủy đậu và sởi. Mũi ngừa thủy đậu hiện chưa đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng, chỉ tiêm chủng dịch vụ trả phí. Còn vaccine sởi người dân có thể tùy chọn chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc dịch vụ. Nhiều tỉnh, thành đã mở chiến dịch tiêm chủng vaccine này cho trẻ em. Vì vậy, bác sĩ Khanh khuyến cáo người dân tiêm chủng sớm, tăng miễn dịch, đồng thời cắt đứt chuỗi lây nhiễm của virus.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết vaccine giúp bảo vệ cả người lớn và trẻ nhỏ. Với thủy đậu, mỗi người cần tiêm đủ hai mũi, hiệu quả phòng bệnh lên đến 97%. Hiện Việt Nam có ba loại vaccine phòng thủy đậu gồm: Varilrix (Bỉ) tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn, Varivax (Mỹ) và Varicella (Hàn Quốc) tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên và người lớn. Phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm vaccine trước mang thai tốt nhất 3 tháng.

Còn vaccine phòng bệnh sởi có bốn loại gồm mũi đơn MVVAC, mũi phối hợp phòng sởi - rubella MRVAC của Việt Nam, mũi phối hợp phòng sởi - quai bị - rubella MMR II của Mỹ và mũi phối hợp phòng sởi - quai bị - rubella Priorix của Bỉ tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn. Người lớn chưa tiêm hoặc không nhớ lịch sử tiêm chủng trước đó cần tiêm đủ ít nhất hai mũi vaccine, phác đồ cách nhau một tháng. Phụ nữ nên tiêm vaccine trước mang thai ba tháng hoặc ít nhất một tháng.

Đối với trẻ dưới 9 tháng (chưa đủ tuổi tiêm phòng), tại các địa phương công bố dịch như TP HCM, vaccine MVVAC và MMR II có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng. Đến 9 hoặc 12 tháng tuổi, trẻ vẫn cần hoàn thành lịch tiêm cơ bản theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Thủy đậu và sởi thuộc nhóm bệnh do virus, tốc độ lây nhiễm nhanh. Trước đây, các bệnh này ít gặp ở người lớn, hiện tỷ lệ người lớn mắc tăng lên và lây nhiễm cho trẻ nhỏ, trong đó có những trẻ dưới 9 tháng chưa đủ tuổi tiêm ngừa.

Dấu hiệu thủy đậu ở trẻ em là xuất hiện những mụn nước li ti, màu đỏ và tản phát rải rác trên bề mặt da. Triệu chứng này dễ nhầm lẫn với bệnh ngoài da, khiến gia đình chủ quan, dẫn đến điều trị muộn, tăng khả năng nhiễm trùng da dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm gan, viêm phổi, viêm não, co giật, hôn mê... tăng nguy cơ tử vong.

Ở người lớn, dấu hiệu bệnh rầm rộ và dễ trở nặng hơn so với trẻ em. Trẻ đi học, người mới đi làm nguy cơ nhiễm thủy đậu cao hơn so với nhóm còn lại. Người béo phì, thừa cân, người có hệ miễn dịch kém, bệnh nền dễ trở nặng.

Còn sởi có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Bệnh có thể diễn tiến thành nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản, viêm não, viêm tai giữa...

Triệu chứng bệnh sởi ở người lớn thường khó phát hiện, dễ nhầm lẫn với dị ứng, viêm đường hô hấp. Bệnh hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng và kết hợp dinh dưỡng.

Với cả hai bệnh, người bệnh cần đến bác sĩ khám, điều trị phù hợp, giảm biến chứng và khả năng virus lây lan trong môi trường. Nếu điều trị tại nhà, người dân cần tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế, theo dõi sát tình trạng bệnh và nhập viện ngay khi có dấu hiệu bất thường.

Ngoài hai bệnh trên, các chuyên gia khuyến cáo người dân chủ động phòng cúm, phế cầu, bạch hầu, ho gà, não mô cầu, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết... trong năm mới do bối cảnh thời tiết thuận lợi cho mầm bệnh lây lan. Hiện các mầm bệnh này đã có vaccine phòng bệnh, người dân có thể tới cơ sở tiêm chủng để được tư vấn cụ thể.

Theo bác sĩ Chính, ngoài vaccine, người dân chủ động phòng bệnh bằng cách đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, vệ sinh tay sạch sẽ, vệ sinh mũi và họng hàng ngày. Biện pháp nâng cao sức khỏe tổng thể thông qua dinh dưỡng, tập thể dục hàng ngày, cũng giúp tăng hiệu quả phòng bệnh.

Gia Nghi

20h ngày 5/2/2025, Hệ thống tiêm chủng VNVC tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "Tiêm vaccine trở lại sau Tết". Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia:

- BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM

- BS.CKII Mã Thanh Phong, Trưởng Đơn vị Hô hấp, khoa Nội Tổng hợp, BVĐK Tâm Anh TP HCM

- BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chương trình được phát sóng trên các kênh truyền thông của VnExpress, VNVC, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, phòng khám dinh dưỡng Nutrihome. Độc giả đặt câu hỏi tại đây.

Đọc bài gốc tại đây.