Người đàn ông 30 tuổi đi khám vì đau bụng, buồn nôn, bất ngờ nhận chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối, dù trước đó hoàn toàn bình thường.
Bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, nói được chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối từ 5 năm trước. Kết quả khiến anh ngạc nhiên bởi trước đó bản thân hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, người đàn ông thừa nhận luôn chủ quan với sức khỏe, ăn uống vội vàng, dùng nhiều thực phẩm chế biến sẵn, nước ngọt.
Tương tự, trong lần đi khám sức khỏe định kỳ 5 năm trước, người phụ nữ 30 tuổi được bác sĩ cảnh báo nước tiểu có protein niệu, khuyên điều trị bằng thuốc. Mới đây, bệnh nhân thấy buồn nôn, mất ngủ, thay đổi vị giác nên đã đến Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu khám. Bác sĩ chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối, chức năng thận chỉ còn dưới 10%, cần phải điều trị thay thế. Hiện, người phụ nữ chờ làm nối thông cầu tay để lọc máu chu kỳ trước, chờ cơ hội ghép thận.
Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu đang điều trị nội trú khoảng 160-180 bệnh nhân thận. Trung bình mỗi ngày, nơi này tiếp nhận 30-40 ca mới. Đáng chú ý, tỷ lệ người bị suy thận dưới 30 tuổi ngày càng tăng. Nhiều trường hợp vào viện trong tình trạng quá muộn, không thể điều trị bảo tồn.
Trong khi đó, Khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM, ba tháng đầu năm 2024 đã tiếp nhận 450 bệnh nhân lọc máu chạy thận định kỳ, trong đó có gần 60 bệnh nhân dưới 35 tuổi, chiếm 15%. Điểm chung là những người bệnh này vào đến khoa hầu như đều ở giai đoạn cuối. Còn tại Bệnh viện Bình Dân, khoảng 1/3 lượng bệnh tại phòng khám nội thận của bệnh viện là người dưới 40 tuổi.
Bệnh thận và suy thận mạn tính là gánh nặng của ngành y tế cũng như gia đình người mắc. Khảo sát Inside CKD trên 11 quốc gia cho thấy chi phí chi trả cho bệnh thận mạn hàng năm lên đến hàng tỷ USD, chiếm 2,4-7,5% chi tiêu y tế hàng năm. Phí quản lý bệnh thận mạn ở giai đoạn cuối cho các liệu pháp chạy thận nhân tạo, thay thế thận, đặc biệt tăng cao.
Thống kê của Hội thận học thế giới ước tính khoảng ba triệu người đang phải duy trì sự sống nhờ phương pháp lọc máu (bao gồm chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng) và ghép thận. Đặc biệt, tỷ lệ người trẻ, người còn trong độ tuổi lao động mắc bệnh chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng tăng.
Việt Nam ghi nhận hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn tính. Tỷ lệ mắc bệnh thận mạn mới hằng năm là khoảng 8.000 người, 800.000 bệnh nhân cần phải chạy thận lọc máu, chiếm 0,1% dân số. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ có 5.500 máy chạy thận phục vụ 33.000 bệnh nhân. Tỷ lệ tử vong do bệnh này đứng thứ 8 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.
Tiến sĩ, bác sĩ Nghiêm Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm, cho biết một trong nguyên nhân gây suy thận ở người trẻ là thói quen ăn uống, sinh hoạt không điều độ, đẩy nhiều bệnh trong đó có suy thận mạn. Một số thói quen xấu gồm sử dụng quá nhiều đồ uống không rõ nguồn gốc, thức ăn tiện lợi như mì gói với hàm lượng muối cao; sinh hoạt không điều độ như ngủ muộn, lười vận động dẫn đến béo phì.
Bên cạnh đó, nhiều người lười kiểm tra sức khỏe. Khi có các biểu hiện bất thường, người trẻ hay chủ quan nghĩ bị mệt mỏi thông thường, ngại đến các cơ sở y tế khám dẫn tới không phát hiện sớm bệnh.
Ở giai đoạn muộn, việc điều trị bệnh trở nên khó khăn và hiệu quả thấp, chi phí lớn. Người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối bắt buộc phải điều trị một trong 3 phương pháp như lọc máu chu kỳ, lọc máu qua màng bụng và ghép thận.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Bộ môn Nội tổng hợp, Đại học Y Hà Nội, cho biết chỉ cần xét nghiệm máu kiểm tra chức năng thận, tổng phân tích nước tiểu và siêu âm hệ tiết niệu là có thể sàng lọc và phát hiện sớm suy thận mạn tính. Người dân chủ động đi khám kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát bệnh thận ít nhất một lần một năm, đặc biệt nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, người bị thừa cân hoặc béo phì, người bị đái tháo đường, tăng huyết áp, có bệnh lý tim mạch, có bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp.
Hiện chưa có biện pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn suy thận mạn tính. Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân buộc phải điều trị lọc máu hoặc ghép thận. Lúc này, cuộc sống người bệnh gần như gắn liền với bệnh viện.
Để phòng bệnh, người dân cần thực hiện lối sống lành mạnh, chế độ ăn cân bằng, uống đủ nước, không ăn mặn, hạn chế đồ ăn nhanh và lạm dụng thức uống có cồn. Không thuốc lá, tập thể dục thể thao hàng ngày tùy theo tình trạng sức khỏe từng cá nhân. Tránh sử dụng thuốc bừa bãi đặc biệt là các thuốc không cần kê đơn, thuốc thảo dược không rõ nguồn gốc.
Người mắc bệnh lý cấp tính như nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn ngoài da, nhiễm trùng đường tiết niệu cũng như kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh lý ác tính, bệnh tự miễn dịch, sỏi tiết niệu, cần theo dõi sức khỏe để phòng bệnh.
Thúy Quỳnh
Đọc bài gốc tại đây.