Ba tuần nay, người đàn ông 70 tuổi thường xuyên đau đầu, thỉnh thoảng ho khan, đau ngực, mệt mỏi, đi khám phát hiện ung thư phổi di căn não.
Gia đình cho biết ông có tiền sử nghiện thuốc lá hơn 50 năm, uống nhiều rượu bia, mắc tăng huyết áp và đái tháo đường. Kết quả chụp cộng hưởng từ phát hiện tổn thương di căn não, sau đó chụp cắt lớp vi tính ngực - bụng xác nhận ung thư phổi di căn não và thượng thận.
Ngày 16/1, bác sĩ Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao do hút thuốc lá lâu năm, nghiện rượu bia và mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Hiện bác sĩ đã lên phác đồ điều trị nhằm kéo dài sự sống, phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Ung thư phổi là một trong ba loại ung thư phổ biến nhất và là nguyên nhân tử vong hàng đầu do ung thư trên thế giới. Theo Globocan 2020, tại Việt Nam, ung thư phổi đứng thứ hai ở cả hai giới, sau ung thư gan (nam) và ung thư vú (nữ). Mỗi năm, nước ta ghi nhận hơn 26.000 ca mắc mới và 23.700 ca tử vong.
Nam giới mắc bệnh gấp ba lần nữ, chủ yếu do hút thuốc lá. Cụ thể, 90% ca ung thư phổi liên quan đến hút thuốc lá, 4% do hút thuốc lá thụ động. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi gấp 15-30 lần so với các loại ung thư khác. Ngoài ra, yếu tố di truyền và môi trường ô nhiễm cũng góp phần gây bệnh.
Bác sĩ Phương nhấn mạnh, phát hiện ung thư sớm giúp tăng tỷ lệ chữa khỏi và giảm chi phí điều trị. Tầm soát ung thư phổi có thể phát hiện 80% ca bệnh ở giai đoạn sớm, khi việc điều trị hiệu quả hơn nhiều so với giai đoạn muộn. Các phương pháp tầm soát bao gồm xét nghiệm máu (CEA, CA-125, Cyfra 21-1...), chụp X-quang hoặc cắt lớp vi tính (CT).
Bác sĩ khuyến cáo, khi có các dấu hiệu bất thường như ho kéo dài, mệt mỏi, hụt hơi, sụt cân không rõ nguyên nhân, cần đi khám ngay. Đặc biệt, người hút thuốc lá hoặc có tiền sử gia đình mắc ung thư nên tầm soát định kỳ từ sau 40 tuổi.
Thùy An
Đọc bài gốc tại đây.