Thủ thuật nam khoa không an toàn nào gây lây nhiễm HPV?

20/01 19:00
 

Cắt bao quy đầu, tăng kích thước "cậu nhỏ", cắt trĩ không an toàn có thể dẫn đến biến chứng, lây nhiễm bệnh truyền nhiễm, trong đó có sùi mào gà do HPV.

Bác sĩ Hoa Tuấn Ngọc, Quản lý Y khoa vùng 1 - Đông Nam Bộ, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết nam giới cũng có nhu cầu thực hiện các thủ thuật nam khoa để tự tin hơn, hoặc mắc bệnh cần điều trị. Họ thường có tâm lý e ngại, dẫn đến tự điều trị theo lời mách bảo, tìm đến cơ sở không uy tín. Nhiều trường hợp "tiền mất tật mang", tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh về đường tình dục dưới đây:

Cắt bao quy đầu

Cắt bao quy đầu là thủ thuật cắt bỏ phần da bao phủ dương vật, nhằm phòng và điều trị các vấn đề như viêm bao quy đầu tái phát nhiều lần, hẹp hay nghẹt bao quy đầu, bao quy đầu quá dài. Đây là thủ thuật đơn giản, song cần thực hiện ở các cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên môn nam khoa, các thiết bị chuyên dụng được sát khuẩn, tiệt trùng đúng cách.

Việc thực hiện thủ thuật này ở nơi không uy tín, dụng cụ không được tiệt trùng đúng cách, nguy cơ bị biến chứng nhiễm trùng, lây truyền bệnh sùi mào gà là rất cao. Như trong 3 tháng năm 2017, Việt Nam đã ghi nhận 80 trẻ ở Hưng Yên nhiễm sùi mào gà khi cắt bao quy đầu ở cơ sở không đảm bảo vô trùng.

Trị hẹp, viêm đường tiết niệu

Nguyên nhân thường gặp gây viêm đường tiết niệu ở nam giới là bội nhiễm vi khuẩn E.coli, viêm bao quy đầu hoặc da quy đầu do vệ sinh không đúng cách, chấn thương khi quan hệ tình dục thô bạo, tiểu rắt... Các trường hợp bị nhiễm trùng, tái đi tái lại nhiều lần, thận ứ nước nhiễm khuẩn, ứ mủ. cần phẫu thuật để dẫn lưu ổ nhiễm khuẩn.

Nếu các vật dụng như kim tiêm, các thiết bị y tế dùng để phẫu thuật chứa dịch của người đang mắc sùi mào gà không được tiệt trùng, sẽ dễ có nguy cơ lây truyền mầm bệnh cho người lành. Nam giới đối mặt nguy cơ biến chứng và lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm trong đó có sùi mào gà.

Cắt trĩ

Người mắc bệnh trĩ nặng cần phải cắt bỏ búi trĩ. Phương pháp này cần được thực hiện ở cơ sở y tế uy tín, được cấp phép thực hiện thủ thuật để tránh tình trạng nhiễm trùng, chảy máu, hẹp hậu môn và lây nhiễm bệnh như sùi mào gà.

Tăng kích thước "cậu nhỏ"

Các phương pháp chiếu đèn/tia laser, bơm silicon... ở các cơ sở chui thường không hiệu quả, còn có thể bị biến chứng chảy máu, nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, hoại tử dương vật, tăng nguy cơ vô sinh và dễ có nguy cơ nhiễm các bệnh về đường tình dục, trong đó có các bệnh sùi mào gà do virus HPV gây ra.

Do đó, nam giới nên khám và thực hiện thủ thuật tại bệnh viện, có bác sĩ chuyên khoa nam học, có nhiều kinh nghiệm. Sau phẫu thuật, người bệnh cần được theo dõi các biến chứng có thể xảy ra, tái khám và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Biện pháp phòng bệnh

HPV (Human Papillomavirus - hay còn gọi là virus gây u nhú ở người) là virus ngoài gây ra sùi mào gà, còn gây ra các bệnh nguy hiểm khác như ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, hậu môn, ung thư dương vật, ung thư miệng họng... Trong khi đó, tỷ lệ lây nhiễm theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có đến 11-12% dân số thế giới, tương đương 700-800 triệu người đang nhiễm HPV. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm HPV vào khoảng 8 -11% tùy vùng miền.

Để phòng ngừa lây nhiễm HPV và các biến chứng, nam giới cần lựa chọn điều trị ở các cơ sở y tế uy tín, có đời sống tình dục lành mạnh, yêu chung thủy và nên sử dụng biện pháp an toàn khi yêu.

Hiện Việt Nam có hai loại vaccine HPV. Vaccine Gardasil phòng được 4 type 6, 11, 16, 18 chỉ định tiêm cho bé gái và phụ nữ trong độ tuổi 9-26. Vaccine Gardasil 9, phòng ngừa 9 type 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58, chỉ định cho cả nam và nữ trong độ tuổi 9-45, hiệu quả bảo vệ đến trên 90%. Trẻ từ 9-14 tuổi chỉ cần tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu 6 tháng. Người từ 15-45 tuổi tiêm ba mũi trong vòng 6 tháng.

Ngoài ra, nam giới cũng nên tiêm phòng viêm gan B, do bệnh đang lưu hành tại Việt Nam, các thủ thuật trên cũng có nguy cơ lây nhiễm. Người lớn cần tiêm phác đồ ba mũi trong 6 tháng, nhắc lại khi kháng thể giảm.

Diệu Thuần

Đọc bài gốc tại đây.