Trời lạnh dễ gây đột quỵ, người trẻ không nên chủ quan

20/01 12:00
 

Số ca đột quỵ nhập viện tăng khi trời lạnh. Các chuyên gia cảnh báo thời tiết lạnh gây co thắt mạch máu, tăng huyết áp, nguy cơ cục máu...

Số ca đột quỵ nhập viện tăng khi trời lạnh. Các chuyên gia cảnh báo thời tiết lạnh gây co thắt mạch máu, tăng huyết áp, nguy cơ cục máu đông, dẫn đến đột quỵ.

Dị dạng mạch máu não - Hiểm họa khó lường ở người trẻ

Thường xuyên đau đầu, đột ngột nói khó, giảm thị lực, tê yếu tay chân… là những triệu chứng dễ nhầm lẫn với đột quỵ khiến người bệnh nhập viện trong "thời gian vàng". Tuy nhiên, nhiều trường hợp bác sĩ vẫn không thể cứu sống hoặc nếu được điều trị, bệnh nhân phải chịu di chứng nặng nề. Điều đáng nói, các bệnh nhân thường rất trẻ, có người mới chỉ 15 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là do dị dạng mạch máu não.

Bệnh nhân 15 tuổi nhập viện trong tình trạng đau đầu dữ dội, nhanh chóng rơi vào hôn mê. Tại Bệnh viện tuyến dưới, bệnh nhi được chẩn đoán chảy máu não, đặt nội khí quản và chuyển gấp lên Bệnh viện Bạch Mai.

Tại Trung tâm Đột quỵ, bệnh nhân hôn mê sâu, Glasgow 5 điểm, giãn đồng tử, sốt cao liên tục 39-40°C. Kết quả chụp MSCT mạch não cho thấy chảy máu tại đồi thị - não thất do vỡ khối dị dạng thông động tĩnh mạch não (AVM). Dù được hồi sức tích cực, bệnh nhi vẫn diễn biến xấu, tụt huyết áp, hôn mê sâu, và tử vong sau hai ngày điều trị.

Một trường hợp khác, bệnh nhân cũng rất trẻ 19 tuổi, khỏe mạnh bất ngờ bị co giật, hôn mê sâu và liệt tứ chi. Kết quả chụp MSCT cho thấy chảy máu não thùy đỉnh chẩm do vỡ dị dạng AVM (điểm Spetzler-Martin 3). Sau phẫu thuật hút máu tụ và lấy khối dị dạng, bệnh nhân vẫn trong tình trạng tiên lượng hạn chế, điều trị tại khoa Hồi sức Ngoại.

Nữ bệnh nhân 29 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, nhập viện vì đau đầu đột ngột, tê tay, nôn nhiều. Tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ xác định bệnh nhân bị chảy máu não thùy đỉnh phải, vỡ khối dị dạng AVM (điểm Spetzler-Martin 2). Sau phẫu thuật và điều trị tích cực, bệnh nhân vẫn chịu di chứng nặng nề: liệt hoàn toàn nửa người trái, chưa nhận thức được sau một tháng.

Dấu hiệu nhận biết thường mờ nhạt

Bác sĩ Lê Tuấn Anh - Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dị dạng thông động tĩnh mạch não (AVM) là dị tật bẩm sinh của hệ mạch máu. Trong khối dị dạng, động mạch kết nối trực tiếp với tĩnh mạch mà không qua mao mạch, khiến thành mạch mỏng và tĩnh mạch giãn, nguy cơ vỡ rất cao. Khi vỡ, tình trạng chảy máu não dẫn đến tăng áp lực nội sọ, co giật, suy giảm ý thức và tử vong nhanh chóng.

Dị dạng AVM thường xảy ra ở người trẻ, không phân biệt giới tính. Bệnh khó phát hiện nếu khối dị dạng chưa vỡ, chỉ được chẩn đoán tình cờ qua kiểm tra y tế. Một số dấu hiệu có thể gặp khi khối dị dạng chưa vỡ là đau đầu, chóng mặt, tê bì tay chân, hoặc động kinh. Khi vỡ, triệu chứng nặng như đau đầu dữ dội, nôn mửa, liệt nửa người, lú lẫn, hôn mê sâu, thậm chí tử vong nhanh.

Tỉ lệ tử vong khi AVM vỡ ước tính 10-15%, với 50% bệnh nhân để lại di chứng suốt đời.

Bác sĩ khuyến cáo: Khi có các dấu hiệu đau đầu, chóng mặt, tê bì tay chân, hoặc co giật, cần đi khám sớm. Nếu đột ngột rối loạn ý thức, cần đến bệnh viện ngay để kịp thời xử lý. Việc phát hiện sớm dị dạng mạch máu não có thể giảm thiểu nguy cơ biến chứng và tử vong.

Dị dạng mạch máu não là sự kết nối bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch trong cơ thể. Các động mạch có trách nhiệm vận chuyển máu giàu oxy từ tim đến não. Tĩnh mạch mang máu thiếu oxy trở lại phổi và tim. Khi động tĩnh mạch não bị dị dạng sẽ phá vỡ quá trình quan trọng này.

Dị dạng mạch máu não chiếm khoảng 2% của tất cả các cơn đột quỵ xuất huyết mỗi năm và thường là nguyên nhân gây xuất huyết ở trẻ em và thanh niên bị xuất huyết não.

Đọc bài gốc tại đây.