Tái hẹp mạch vành do cai thuốc lá bất thành

16/01 17:00
 

Ông Dương, 51 tuổi, không cai được thuốc lá nên tiếp tục tái hẹp mạch vành, nguy cơ đột quỵ, phải can thiệp tim lần hai.

Ông Dương bị hẹp mạch vành 90%, phải can thiệp đặt stent phòng ngừa đột quỵ tim hai năm trước. Bác sĩ khuyên ông nên cai thuốc lá. Bỏ hút thuốc được 2-3 ngày, ông bủn rủn tay chân, uể oải, khó tập trung nên tiếp tục hút.

Cuối tháng 10 năm ngoái, ông Dương có dấu hiệu đau ngực trái vài giây, không khó thở hay hồi hộp, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám. Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Lệ Quyên, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết ông bị vôi hóa kèm xơ vữa động mạch chủ, động mạch vành, một số điểm hẹp lòng mạch vành trên 80%. Xét nghiệm định lượng Troponin 122 pg/ml, bình thường dưới 14, cho thấy cơ tim bị tổn thương nghiêm trọng cần can thiệp đặt stent mạch vành. Ông còn giãn phế nang hai phổi, nốt mờ 3 mm tại thùy trên hai phổi. "Các tình trạng này do hút thuốc lâu năm gây ra", bác sĩ Quyên nói.

Bác sĩ Quyên giải thích hẹp mạch vành dù được kiểm soát nhưng hút thuốc lá thường xuyên khiến xơ vữa mạch máu tiếp tục tiến triển, tái hẹp, biến chứng nhồi máu cơ tim. Nguy cơ này cao hơn khi ông Dương còn mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.

Nhiều người cai thuốc lá không thành công do cảm giác phụ thuộc nicotine thành phần gây nghiện trong thuốc lá. Khi bắt đầu bỏ thuốc, cơ thể có thể gặp nhưng phản ứng lo âu, bồn chồn, tăng cân, thay đổi tính cách... như ông Dương. Ông nghiện thuốc lá nặng, mức độ phụ thuộc nicotine cao. Bác sĩ Quyên tư vấn và kê toa thuốc giúp ông cai thuốc lá.

Sau gần hai tháng điều trị, ông bỏ được thuốc lá, không bị tăng cân hay bủn rủn chân tay, thay đổi tính cách như các lần trước đó. Hiện, sức khỏe ông ổn định, tiếp tục duy trì phác đồ cai thuốc lá kết hợp theo dõi tăng huyết áp và điều trị đái tháo đường.

Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất trong đó có 69 chất gây ung thư. Hút thuốc lá gây ra nhiều tác hại với sức khỏe, trong đó hàng đầu là các bệnh hô hấp, tim mạch và ung thư. Khói thuốc có thể ảnh hưởng tới những người xung quanh, còn gọi là tình trạng hút thuốc lá thụ động.

Khám tư vấn và điều trị cai thuốc lá với bác sĩ là phương pháp hiệu quả để từ bỏ thuốc lá, nhất người thất bại nhiều lần. Bác sĩ đánh giá toàn diện tiền sử hút thuốc trước đó, mức độ phụ thuộc nicotine, quyết tâm cai thuốc của người bệnh... để đưa ra phác đồ phù hợp.

Khuê Lâm

* Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.