Tư thế nằm giảm đau thần kinh tọa

04/05 18:00
 

Nằm đúng tư thế hỗ trợ giảm áp lực lên lưng và dây thần kinh tọa, giảm đau, cải thiện chất lượng giấc ngủ của người bệnh.

Thần kinh tọa là dây thần kinh dài và dày nhất trong cơ thể. Ở mỗi bên cơ thể, một dây thần kinh tọa chạy qua hông, mông và kéo dài xuống chân, kết thúc ngay dưới đầu gối. Sau đó, bó sợi thần kinh phân nhánh, tiếp tục chạy xuống chân, đến bàn chân, ngón chân.

ThS.BS Vũ Đức Thắng, khoa Cột sống, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đau thần kinh tọa là tình trạng đau từ phần lưng dưới và lan xuống chân. Triệu chứng phổ biến là cảm giác đau, từ nhẹ đến dữ dội, ở bất cứ đâu dọc theo đường đi của thần kinh tọa. Người bệnh có thể cảm thấy yếu cơ chân, bàn chân, gây tê, ngứa ran, khó chịu như kim châm. Trong nhiều trường hợp, khi cơn đau dữ dội, người bệnh khó ngủ ngon, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.

Để ngon giấc, bác sĩ Thắng gợi ý người bệnh đau thần kinh tọa thử các tư thế dưới đây.

Nằm ngửa

Nằm ngửa sao cho đầu, vai, hông trên một đường thẳng. Tư thế này giúp phân bổ trọng lượng cơ thể đều khắp lưng, giảm áp lực lên lưng dưới và dây thần kinh tọa. Để giảm đau tốt hơn, người bệnh có thể đặt một chiếc gối nhỏ dưới cổ và đầu, không đặt dưới vai.

Người bệnh có thể thử nằm ngửa và đặt gối dưới hai đầu gối. Tư thế này duy trì độ cong của cột sống, làm giãn các cơ ở hông, từ đó giảm đau hiệu quả. Hoặc đặt một chiếc gối nhỏ dưới thắt lưng để làm giảm khoảng cách giữa thắt lưng và giường, giữ cho cột sống và xương chậu ở vị trí cân bằng.

Nằm nghiêng

Nếu đau bên trái, người bệnh có thể nằm nghiêng sang phải để giảm áp lực đè nặng lên dây thần kinh tọa, từ đó giảm đau và ngủ tốt hơn. Người bệnh nên co nhẹ đầu gối và kẹp một chiếc gối vào giữa hai chân khi nằm nghiêng. Tư thế này giữ hông và cột sống ở vị trí cân bằng, giảm áp lực lên xương chậu, giảm đau.

Nếu người bệnh đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm hoặc hẹp ống sống có thể ngủ với tư thế nằm nghiêng và ôm lấy hai đầu gối (tư thế bào thai). Tư thế này giúp làm giãn vùng cột sống, nhất là các đốt sống bị hẹp, nhờ đó giảm chèn ép lên rễ thần kinh tọa, cải thiện cơn đau tốt.

Người bệnh nên chọn nệm có độ cứng vừa phải để hỗ trợ tốt hơn cho lưng, hông, vai và đầu gối. Nệm quá mềm có thể làm cho cơ thể chìm xuống, gây lệch cột sống. Trước khi ngủ, nên tập giãn cơ nhẹ nhàng hoặc tắm nước ấm nhằm thả lỏng cơ bắp và giảm áp lực lên dây thần kinh tọa.

Bác sĩ Thắng cho biết những tư thế nằm này có thể không phù hợp với tất cả mọi người. Nếu người bệnh vẫn cảm thấy đau hãy thay đổi tư thế khác. Cần tránh nằm sấp vì cột sống cong trũng về phía giường có thể làm căng cơ hoặc khớp cột sống. Vặn cột sống hoặc vặn hông cũng không được khuyến khích vì có thể tạo áp lực lên dây thần kinh tọa.

Đau thần kinh tọa là bệnh lý khá phổ biến hiện nay và có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống... Đây đều là những bệnh nguy hiểm nhưng có thể kiểm soát tốt bằng các phương pháp nội khoa nếu được phát hiện kịp thời.

Nếu phát hiện muộn, bệnh chuyển biến nặng, người bệnh có thể phải phẫu thuật. Người bệnh nên đến gặp bác sĩ khi có dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng như tê hoặc yếu cơ ở cùng một chân; đau chân dữ dội kéo dài nhiều giờ; đau nặng hơn khi ngồi, đứng trong thời gian dài hoặc thực hiện động tác vặn phần thân trên hoặc chuyển động cơ thể đột ngột khi ho, hắt hơi; mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang gây đại tiểu tiện không tự chủ.

Phi Hồng

Đọc bài gốc tại đây.