Ngoài việc là một món ăn vặt phổ biến được nhiều người ưa thích bởi độ dẻo, ngọt và thơm, trong nho khô còn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe.
Theo bác sĩ Nguyễn Thùy Ngân - Viện Nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, nho khô là nho tươi đã được sấy khô hoặc phơi khô để loại bỏ phần lớn hàm lượng nước, giúp bảo quản lâu hơn.
Quá trình này làm cô đặc các dưỡng chất tự nhiên, khiến nho khô trở thành một nguồn năng lượng và dinh dưỡng tuyệt vời, đặc biệt giàu đường tự nhiên, chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Dinh dưỡng của nho khô bao gồm polyphenol, chất chống oxy hóa, flavonoid và các chất dinh dưỡng có thể có lợi cho sức khỏe tổng thể. Một số lợi ích sức khỏe hàng đầu của nho khô:
Giảm nguy cơ sâu răng và bệnh nướu răng
Nghiên cứu được công bố trên Phytochemistry Letters cho thấy nho khô có thể có lợi cho sức khỏe răng miệng vì loại quả này có chứa các chất hóa học thực vật kháng khuẩn giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn trong miệng liên quan đến sâu răng và bệnh nướu răng.
Một trong năm loại hóa chất thực vật mà nghiên cứu xác định được trong dinh dưỡng nho khô là axit oleanolic.
Trong nghiên cứu, axit oleanolic ức chế sự phát triển của hai loài vi khuẩn trong miệng: Streptococcus mutans gây sâu răng và Porphyromonas gingivalis gây bệnh nha chu hay còn gọi là bệnh nướu răng.
Hỗ trợ tiêu hóa
Là loại thực phẩm giàu chất xơ, nho khô là chất hỗ trợ tiêu hóa tuyệt vời. Nho khô chứa cả chất xơ hòa tan và không hòa tan, đều giúp mọi thứ di chuyển qua đường ruột một cách lành mạnh bằng cách giảm táo bón nhưng cũng ngăn ngừa tiêu chảy.
Trái cây sấy khô có thể có nhiều calo hơn trái cây tươi, nhưng chúng cũng có lượng chất xơ cao hơn. Bằng cách thêm nho khô vào đồ ăn nhẹ và bữa ăn, chúng ta có thể tăng hàm lượng chất xơ trong các món ăn của mình một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Giảm huyết áp và giảm nguy cơ đột quỵ
Những người bị tăng huyết áp nhẹ có thể được hưởng lợi từ việc tiêu thụ nho khô thường xuyên (3 lần một ngày). Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc tiêu thụ hằng ngày này có thể làm giảm đáng kể huyết áp, đặc biệt là khi so sánh với việc ăn các món ăn nhẹ thông thường khác.
Ngoài ra, nho khô còn giàu chất điện giải kali tốt cho tim, giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu kali, một vấn đề thường gặp trong chế độ ăn uống hiện đại.
Kali là khoáng chất quan trọng cho chức năng thích hợp của tất cả các tế bào, mô và cơ quan trong cơ thể con người. Những người hấp thụ nhiều kali trong chế độ ăn uống của họ có nguy cơ đột quỵ thấp hơn.
Giúp kiểm soát bệnh tiểu đường
Một nghiên cứu ngẫu nhiên năm 2015 đã đánh giá tác động của việc thường xuyên tiêu thụ nho khô đen so với các loại đồ ăn nhẹ chế biến thay thế đối với lượng glucose và các yếu tố nguy cơ tim mạch khác ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường type 2.
Trong nghiên cứu này, so với các loại đồ ăn nhẹ chế biến thay thế, những người ăn nho khô đã giảm 23% lượng glucose sau bữa ăn. Những người ăn nho khô cũng giảm 19% lượng glucose lúc đói và giảm đáng kể huyết áp tâm thu. Nhìn chung, nghiên cứu ủng hộ nho khô là một lựa chọn đồ ăn nhẹ lành mạnh cho bệnh nhân tiểu đường type 2.
Hàm lượng chất xơ trong nho khô cũng giúp cơ thể chúng ta xử lý lượng đường tự nhiên có trong nho khô, giúp ngăn ngừa tình trạng tăng đột biến insulin.
Hỗ trợ phòng ngừa ung thư
Các nghiên cứu cho thấy trái cây sấy khô, đặc biệt là quả chà là, mận khô và nho khô, chứa nhiều thành phần phenolic có khả năng chống oxy hóa mạnh hơn so với một số loại trái cây tươi. Chất chống oxy hóa cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe vì chúng ngăn ngừa các gốc tự do (hóa chất phản ứng cao có khả năng gây hại cho tế bào) gây tổn thương tế bào bên trong cơ thể.
Các gốc tự do là một trong những yếu tố cơ bản dẫn đến sự phát triển tự phát của tế bào ung thư cũng như sự lây lan của ung thư, đó là lý do tại sao thực phẩm có hàm lượng chất chống oxy hóa cao như nho khô là thực phẩm chống ung thư tuyệt vời…
Tết này, ăn bao nhiêu nho khô là vừa?
Giá trị dinh dưỡng tương đương cho 100g nho khô không hạt là: lượng calo: 300; tổng lượng carbohydrate: 80g; chất xơ: 4,42g; đường: 65,12g; tổng lượng chất béo: 0,23g; chất béo bão hòa: 0,09g;
Chất béo không bão hòa đa: 0,05g; chất béo không bão hòa đơn: 0,02g; chất béo chuyển hóa: 0g; chất đạm: 3,26g; cholesterol: 0mg; natri: 0mg; kali: 744,19mg; sắt: 1,79mg; magie: 36,05mg.
Nho khô là món hay gặp trong khay mứt kẹo của các gia đình mùa Tết. Lượng đường tự nhiên trong nho khô dễ tiêu hóa và có thể cung cấp nguồn năng lượng dồi dào, nhưng hãy đảm bảo không ăn quá một khẩu phần mỗi ngày để không nạp quá nhiều đường vào cơ thể, đặc biệt nếu chúng ta bị tiểu đường hoặc đang gặp vấn đề về lượng đường trong máu.
Khoảng 10 quả nho khô tương đương với khoảng 3g đường.
Cũng như các loại trái cây sấy khô khác, nếu chúng ta đang theo dõi cân nặng của mình thì chắc chắn không muốn tiêu thụ quá nhiều nho khô vì chúng chứa nhiều carbohydrate và calo. Hãy tuân thủ khẩu phần ăn hợp lý.
Nho khô được xử lý bằng lưu huỳnh đioxit (như loại vàng) có thể làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn và các phản ứng dị ứng khác ở những người nhạy cảm với lưu huỳnh. Đọc kỹ nhãn hàng để tránh điều này. Nho phơi khô tự nhiên dưới ánh nắng mặt trời là lựa chọn tốt nhất.
Đọc bài gốc tại đây.