Tôi phát hiện u máu trong gan ba năm trước, bác sĩ khuyên theo dõi định kỳ. Bệnh này nguy hiểm hay có tiến triển thành ung thư không? (Hoàng Nguyên, Đồng Nai)
Trả lời:
U máu tại gan là khối u trong gan lành tính, không phải là ung thư. Đây là dạng dị dạng mạch máu tại gan, ít khi thay đổi kích thước theo thời gian. Hầu hết trường hợp u máu trong gan được phát hiện tình cờ khi khám hoặc qua xét nghiệm cận lâm sàng.
U máu ở gan không biểu hiện triệu chứng nên không cần điều trị hay chỉ định cắt gan dự phòng. Cắt gan chỉ được chỉ định trong trường hợp u gây đau đớn cho người bệnh, u máu chèn ép cấu trúc xung quanh. Đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy u máu không được điều trị có thể dẫn đến ung thư gan. Do đó, bạn không nên quá lo lắng.
Nguyên nhân gây u máu trong gan cũng chưa được xác định. Một số yếu tố nguy cơ có thể gây u máu trong gan như bẩm sinh, phụ nữ trong độ tuổi 30-50, đang mang thai hoặc sử dụng liệu pháp thay thế hormone điều trị triệu chứng mãn kinh.
U máu trong gan ít khi gây ra các biến chứng, ít khi lan rộng hay gia tăng kích thước, chỉ nguy hiểm ở thai phụ do máu có thể lan rộng bởi nội tiết tố estrogen tăng trong thai kỳ.
Các biến chứng nguy hiểm khác có thể xảy ra như u máu phát triển chèn ép vào mạch máu hay ống dẫn mật, gây vàng da, phù nề hoặc tạo huyết khối. Tình trạng dị dạng mạch máu khối u cũng có thể làm chảy máu trong khoang bụng. Nếu u máu kích thước lớn, thêm tình trạng chấn thương vùng gan có thể khiến u vỡ, gây xuất huyết nội, cần được xử lý kịp thời. Trường hợp khối u máu trong gan bị thoái hóa dẫn đến vôi hóa, tạo cục máu đông, hình thành sẹo hoặc lắng đọng canxi trong nhu mô gan.
Bạn nên khám sức khỏe và kiểm tra gan định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để được xử lý kịp thời nếu u tăng kích thước. Bạn cần hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá, nên thường xuyên vận động và tập thể dục thể thao, duy trì cân nặng phù hợp... góp phần ngăn bệnh tiến triển.
Những biện pháp điều trị u máu là can thiệp phẫu thuật như cắt gan, khoét bướu, thắt động mạch gan hay ghép gan. Các thủ thuật không xâm lấn khác cũng có thể được áp dụng như can thiệp nội mạch nút tắc động mạch gan hay xạ trị.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Khoa
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh gan tại đây để bác sĩ giải đáp |
Đọc bài gốc tại đây.