U xơ thanh quản khiến cô giáo mất tiếng

08/05 08:00
 

Chị Hà, 31 tuổi, giáo viên, viêm họng nặng, khó cất tiếng, kèm hụt hơi, mất giọng, bác sĩ khám phát hiện mỗi dây thanh quản có hạt u xơ kích thước lớn 2-3 mm.

Kết quả nội soi tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho thấy vùng họng sưng nề đỏ, đọng dịch, hai dây thanh quản di động bình thường nhưng mỗi bên có một hạt xơ.

Ngày 8/5, PGS.BS Lê Minh Kỳ, Phụ trách chuyên môn khoa Tai Mũi Họng, cho biết chị làm giáo viên, nói nhiều khiến niêm mạc không còn khả năng co hồi, các mô tăng sinh, hình thành hạt xơ thanh quản. Hạt xơ làm cho người bệnh khàn tiếng kéo dài, dẫn tới mất tiếng hoàn toàn.

Chị Hà còn bị trào ngược thanh quản - họng. Dịch vị dạ dày khi trào ngược gây tổn thương niêm mạc thanh quản, kích thích phản xạ hắng giọng và ho - các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển hạt xơ dây thanh quản.

Theo bác sĩ Kỳ, hạt xơ dây thanh của chị Hà lớn gấp 2-3 lần thông thường khiến khu vực phẫu thuật nhỏ hẹp, cần nội soi vi phẫu loại bỏ. Phương pháp này nhằm tránh tổn thương nhiệt khi cắt hạt xơ bằng laser. Bác sĩ sử dụng kính hiển vi phẫu có độ phóng đại cao cắt bỏ hạt xơ thanh quản, không làm tổn thương cơ dây thanh gây ảnh hưởng tới giọng nói.

Sau hai tuần phẫu thuật, hai dây thanh quản không còn hạt xơ, chị Hà không bị mất tiếng, tiếp tục thực hiện bài tập phục hồi giọng nói.

Hạt xơ dây thanh quản có thể xảy ra ở bất kỳ ai, tuy nhiên thường gặp ở phụ nữ. Khi hạt xơ gây rối loạn giọng nói, bác sĩ cân nhắc phẫu thuật.

Để phòng ngừa bệnh ảnh hưởng giọng nói như polyp, u nhú thanh quản, phó giáo sư Kỳ khuyến cáo không nên nói quá mức như ca hát, la hét, gằn giọng trong thời gian dài. Người làm công việc nói nhiều nên sử dụng thiết bị hỗ trợ như micro, loa... Nên thả lỏng cơ vùng cổ, trùng cổ xuống và thở sâu sau khi nói nhiều để thanh quản nghỉ ngơi. Tránh để họng khô, uống nước nhiều giúp duy trì độ ẩm vùng hầu họng. Vệ sinh sạch vùng họng, miệng nhằm hạn chế vi khuẩn xâm nhập, gây bệnh viêm cấp tính vùng họng.

Tránh uống nhiều bia rượu, không hút thuốc lá và hạn chế tối đa tiếp xúc môi trường ô nhiễm, người mắc bệnh hô hấp để tránh lây nhiễm, nhất là bệnh viêm thanh quản. Điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản và trào ngược họng - thanh quản.

Khuê Lâm

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.