Bà Lan, 65 tuổi, thường xuyên mệt mỏi, cảm giác hồi hộp sau ăn, khám sức khỏe tổng quát mới biết mắc ung thư đại tràng di căn hạch.
Ngoài các triệu chứng trên, bà Lan không sốt, không sụt cân, ăn uống và sinh hoạt bình thường. Kết quả chụp vi tính cắt lớp (CT) bụng của bà tại Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 cho thấy thành đại tràng dày, mất cấu trúc lớp đại tràng ngang góc gan. Đại tràng có tình trạng thâm nhiễm mỡ và xung quanh, nhiều hạch nhỏ.
Ngày 20/1, thạc sĩ, bác sĩ Ngô Hoàng Kiến Tâm, Đơn vị Nội soi Tiêu hóa, cho biết bà Lan còn bị thiếu máu trầm trọng, chỉ số hemoglobin là 7.0 g/dl, bình thường nữ giới 12-16 g/dl. "Tình trạng chảy máu xảy ra âm ỉ rất lâu nhưng không phát hiện khiến người bệnh mệt mỏi kéo dài", bác sĩ Tâm nói.
Kết quả nội soi đại trực tràng bằng kỹ thuật nội soi không đau cho thấy đại tràng góc gan có một polyp, u sùi, bề mặt loét, chạm dễ chảy máu. Polyp được phát hiện trong lúc nội soi nên bác sĩ cắt polyp và lấy mẫu sùi mô ở góc gan sinh thiết. Kết quả mẫu mô ở góc gan là ung thư biểu mô tuyến ống biệt hóa vừa, xâm nhập, polyp tăng sản độ thấp (lành tính). Nếu polyp loạn sản mức độ cao được xem là tiền ung thư (ác tính).
Bác sĩ Tâm cho biết bà Lan mắc ung thư đại tràng giai đoạn 3B, tức tế bào xâm lấn qua các lớp của đại tràng. Đây là đoạn tiến triển, tế bào ung thư đã xâm nhập vào lớp ngoài cùng của ruột nên cần phẫu thuật điều trị sớm. Nếu kéo dài, người bệnh có thể gặp các biến chứng như tắc ruột, chảy máu tiêu hóa do tế bào ung thư đã tiến triển và lan rộng.
Người bệnh được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM phẫu thuật nội soi cắt đại tràng phải và nạo hạch. Tại đây, bà được truyền đạm và hai đơn vị hồng cầu lắng (chế phẩm máu đã tách huyết tương để thu lại lượng hồng cầu cao), tương đương 500 ml máu giúp các chỉ số sức khỏe về mức ổn định trước phẫu thuật.
Sau khi được gây mê nội khí quản, bác sĩ cắt đại tràng phải chứa khối u kích thước 3x4cm, cắt đại tràng giữa và nạo hạch xung quanh. Êkíp tiếp tục gỡ mạc nối và di động đại tràng ngang, đại tràng góc gan, đại tràng lên và cắt mạc treo hồi tràng đoạn cuối. Sau cùng, bác sĩ cắt nối hồi tràng ngang và khâu lại miệng nối. Chất nhuộm màu Indocyanine green (ICG) cũng được dùng trong lúc phẫu thuật giúp bác sĩ kiểm tra máu nuôi ở miệng nối, giảm các biến chứng và tỷ lệ rò xì miệng nối.
Hậu phẫu, sức khỏe của bà Lan ổn định. Sau ba ngày, bà có thể ăn cháo, đi lại bình thường và xuất viện sau một tuần. Kết quả giải phẫu bệnh là ung thư đại tràng, giai đoạn 3B, trong số 14 hạch đã có một hạch di căn. Người bệnh tiếp tục hóa trị bổ trợ để ngăn tái phát sau phẫu thuật.
Ung thư đại tràng là bệnh lý ác tính phổ biến ở đường tiêu hóa, có xu hướng gia tăng. Bệnh ít khi biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn sớm hoặc triệu chứng không đặc trưng, dễ nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa khác như tiêu ra máu, thay đổi thói quen đi tiêu (tiêu phân lỏng xen kẽ táo bón), đau bụng và thiếu máu... Chảy máu, mất máu thường gặp ở bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn muộn.
Bác sĩ Tâm cho biết ung thư phát hiện ở giai đoạn sớm có thể điều trị thành công trên 95%, nhiều trường hợp được chữa khỏi hoàn toàn. Do đó, bên cạnh xây dựng lối sống khoa học, phòng ngừa các yếu tố nguy cơ, mọi người nên khám sức khỏe, nội soi định kỳ để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời.
Quyên Phan
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |
Đọc bài gốc tại đây.