Nghệ sĩ Vượng Râu nói muốn dừng đóng hài để tập trung cho công việc đạo diễn từ lâu nhưng vợ không đồng ý, mỗi lần anh tỏ ra giận dỗi, bà xã lại dỗ dành bằng cách rủ đi nhậu.
- Nhìn lại 20 năm gây dựng sự nghiệp nghệ thuật, anh thấy có điều gì đặc biệt?
- Năm nào tôi cũng làm chương trình Tết vạn lộc để ra mắt vào dịp Tết và năm nay trở nên đặc biệt hơn khi đánh dấu chặng đường 20 năm thành lập công ty riêng. Tôi bắt đầu con đường làm đạo diễn, biên kịch từ rất sớm, dàn dựng chương trình đầu tiên khi mới là sinh viên năm nhất. Lúc chưa nổi tiếng, tôi kiếm sống bằng việc cộng tác với các đạo diễn, viết kịch bản hài kịch rồi đi diễn hội chợ. Đến khi có tên tuổi với nghề diễn và ổn định hơn về kinh tế, tôi trở lại trường Sân khấu - Điện ảnh học đạo diễn vì coi đó là nghiệp chính. Từ khi ra trường năm 2011, tôi hoạt động song song các vai trò diễn viên, đạo diễn và biên kịch. Lập công ty riêng giúp tôi có điều kiện được làm những điều mình đam mê như đạo diễn sân khấu, băng đĩa Tết.
20 năm qua, nghề diễn mang đến cho tôi hào quang, tiền bạc không nhỏ. Cảm giác đủ đầy đó khiến tôi bằng lòng, muốn dừng lại với nghề diễn để tập trung nhiều hơn cho công việc đạo diễn mà mình đam mê. Tôi vẫn mơ ước làm phim điện ảnh chưa thực hiện được và đang đau đáu vì điều đó. Nhiều lúc tôi nghĩ chắc chỉ cần làm được một phim chiếu rạp là mình "hết nợ" với nghệ thuật.
- Muốn dừng nghề diễn để tập trung làm đạo diễn, tại sao anh vẫn xuất hiện với cả hai vai trò trong "Tết Vạn Lộc"?
- Nhiều năm nay, tôi luôn xin rút khỏi vai trò diễn viên của Tết vạn lộc hoặc chỉ thi thoảng mới xuất hiện trong các chương trình của Nụ Cười Vàng để dồn sức cho việc hậu trường nhưng bà xã và các anh em trong công ty không đồng ý. Bà xã là chủ tịch công ty và cũng là chủ tịch ở nhà nên tôi không dám cãi.
- Bà xã tác động như thế nào đến công việc của anh?
- Tôi lập công ty khi còn độc thân nhưng sau khi cưới thì giao hết quyền quản lý tiền bạc, nhân sự cho vợ để tập trung chuyên môn. Thực tế, tôi làm thuê cho vợ mà không có lương cố định, bao nhiêu tiền làm ra cũng do vợ quản lý. Nhiều khi tôi cũng tủi thân đấy nhưng chấp nhận.
Bà xã không gây áp lực hay đòi hỏi tôi phải làm gì. Nắm quyền chủ tịch, có thể chỉ đạo nhưng cô ấy tôn trọng, không can thiệp quá sâu vào nội dung hay chuyên môn của chồng. Cô ấy biết chồng không thích làm chương trình kiểu tạp kỹ, yếu kém về nghệ thuật chỉ để xé vé nên để tôi tự do cân đối. Có những năm Tết vạn lộc thua lỗ hoặc không có lợi nhuận, cô ấy cũng không phàn nàn nhiều. Để vợ không quá sốt ruột những lúc như thế, tôi sẽ chăm chỉ đi diễn hơn để kiếm tiền bù vào.
Thấy tôi bảo không muốn diễn nữa, cô ấy chỉ im lặng để bày tỏ sự phản đối. Nhưng thấy ai hát hay ai diễn, cô ấy lại nói: "Không hay bằng Vượng Râu". Có thể đó là nhận xét từ góc độ của một nhà sản xuất mà cũng có thể là một lời nịnh nọt từ chủ tịch để nhân viên làm việc không công, từ đó khai thác triệt để.
Có lúc tôi cũng làm nũng, bảo với cô ấy rằng: "Mệt lắm rồi, không thể làm được nhiều vai trò cùng lúc nữa, chỉ muốn làm đạo diễn và biên kịch thôi". Thấy thế, vợ liền rủ đi uống bia để dỗ dành và sau đó tôi lại nghe lời.
- Vợ anh nói gì nếu việc đầu tư vào nghệ thuật của anh gây thua lỗ?
- Cô ấy chỉ phàn nàn giai đoạn đầu thôi, giờ thì lúc nào cũng cười, chỉ cần tôi nói là cô ấy sẽ chi tiền. Tôi không dám nhận mình giàu để có thể vung tiền mà không tính lỗ, lãi, chỉ là người dám "chơi với nghề", làm cẩn thận và đàng hoàng nhất có thể. Với mỗi dự án, tôi đều cố gắng dung hòa yếu tố nghệ thuật, không bay bổng đến mức làm xong phải nợ nần, bán nhà cửa đi để trang trải.
15 năm bên nhau, vợ hiểu tôi muốn gì. Không chỉ quán xuyến việc công ty, cô ấy còn chu toàn nhà cửa, con cái để tôi yên tâm làm nghệ thuật. Tôi biết người phụ nữ nào cũng mong chồng kiếm được nhiều tiền, giàu có để thoải mái chi tiêu nhưng mỗi người có lộc riêng, đủ sống như vậy là mừng rồi. Vợ chồng tôi hay nói với nhau: "Mình có lộc con rồi còn đòi danh vọng, tiền tài nữa thì tham lam, phù phiếm quá".
- Vợ chồng anh gặp những áp lực gì khi nuôi, dạy 5 người con?
- Có 5 con, vợ tôi ngày nào cũng vất vả từ sáng đến tối với việc đưa đón từng bé đi học. Nhà tôi thi thoảng như nhà trẻ vì các con chí chóe nhưng cũng vui. Đi làm về, chỉ cần thấy các con quây quần, chạy đến ôm mình là tôi thấy mọi mệt mỏi tan biến hết. Vợ chồng tôi cho con học trường công, xác định có đến đâu lo cho con đến đấy nên không quá áp lực. Các cháu cũng có ý thức tự bảo ban, chăm sóc, nhắc nhở nhau mỗi khi bố mẹ bận việc. Tôi áp dụng chính sách thưởng, phạt phân minh và ít khi quát mắng nên chỉ cần thấy bố nhắc nhở vài câu là các cháu đã nghe lời.
- Tết ở một gia đình đông con như nhà anh có gì đặc biệt?
- Tôi quan niệm kiếm được nhiều hay ít tiền, làm Tết vạn lộc lỗ hay lãi thì đến Tết vẫn phải "xõa" để các con cảm nhận được niềm vui, truyền thống của ngày tết cổ truyền. Nếu có phải rút tiền tiết kiệm ra để ăn Tết, tôi vẫn cảm thấy thoải mái. Cả năm đã vất vả rồi, Tết phải vui để chuẩn bị tinh thần tích cực cho năm mới.
Đọc bài gốc tại đây.