Hai đèn ưu tiên xoay tít, còi hú liên tục xin nhường đường nhưng chiếc xe cứu thương vẫn "chôn chân" giữa biển người trong những ngày giáp Tết.
17h chiều 20/1, y sĩ Nguyễn Tiến Long, Trạm 115 Đống Đa, nhận cuộc gọi cấp cứu. Người phụ nữ 26 tuổi, mang thai 38 tuần, ngã đập mặt xuống đất, co giật trên đường Vũ Trọng Phụng, cách trạm 2-3 km. Ê kíp xuất phát sau ba phút, nhưng gặp ngay cảnh tắc nghẽn. Tiếng còi xe vang dồn dập không giúp xe nhích nổi giữa dòng phương tiện dày đặc.
Trong xe, y sĩ Long hướng dẫn người nhà sơ cứu qua điện thoại, đồng thời phối hợp điều động xe hỗ trợ để giảm nguy cơ đưa bệnh nhân vào viện muộn. Tài xế Nguyễn Đức Thường căng mắt quan sát, cố len lỏi từng chút. "Nếu không kẹt xe, đoạn đường đi đón người bệnh chỉ mất khoảng 5-7 phút, thay vì hơn 10 phút vẫn đứng tại chỗ như lúc này", lái xe Thường tiếp lời.
40 phút sau, xe mới tiếp cận được hiện trường. Người phụ nữ hoảng loạn, miệng chảy máu nhưng dấu hiệu sinh tồn ổn định. Sau sơ cứu, ê kíp lại chật vật chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Trên xe, nam điều dưỡng nắm chặt tay sản phụ, theo dõi sức khỏe, đồng thời động viên người nhà bình tĩnh. Ở buồng lái, y sĩ Long tiếp tục tìm đường để lái xe Thường đạp ga, di chuyển thuận lợi nhất. Sau gần một tiếng, đổi 7-8 cung đường khác nhau, xe cũng đến Khoa cấp cứu của bệnh viện.
"Giây phút nghe tiếng tim thai bé vẫn ổn định, tôi thở phào nhẹ nhõm, tay nổi da gà vì sung sướng", anh Đảng nói, lưng ướt sũng mồ hôi.
Vừa rời bệnh viện, chuông điện thoại lại reo lên thông báo ca cấp cứu mới. Chiếc xe tiếp tục lao đi khi tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng.
Hà Nội là thành phố có mật độ xe lớn, trong khi nhiều đường hẹp, chưa đủ đáp ứng đến tình trạng xe dừng chờ kéo dài. Hiện, thủ đô có trên 8 triệu phương tiện, gồm 1,1 triệu ôtô, 6,7 triệu xe máy, 200.000 xe đạp điện, chưa kể 1,2 triệu phương tiện của tỉnh, thành phố khác. Tỷ lệ đất dành cho giao thông của Hà Nội chỉ đạt 12-13%, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn 20-26%.
Hai tuần trước Tết Ất Tỵ, tần suất di chuyển của người dân tăng nhanh, nhiều tuyến đường chính tại Hà Nội như Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Ngã Tư Sở, Trường Chinh, Láng... ùn tắc nghiêm trọng, không kể giờ cao điểm. Trong khi ý thức nhường đường của người dân còn thấp, thiếu làn đường cho xe cứu thương, cơ sở vật chất hạn chế, nguy cơ đẩy bệnh nhân vào những tình huống nguy hiểm.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Indonesia, công bố năm 2020, cho thấy tắc đường là nguyên nhân chính gây ra sự chậm trễ của các xe cứu thương. Một số nước như Philippines, Uganda, Indonesia, Thái Lan ghi nhận người bệnh tử vong do không được cấp cứu kịp thời, xuất phát từ sự chậm trễ của xe cứu thương khi tắc đường. Việt Nam chưa có con số thống kê về tình trạng này.
Trong y học, "thời gian vàng" trong các trường hợp cấp cứu như đột quỵ, nhồi máu cơ tim hay tai nạn giao thông thường chỉ kéo dài 60 phút. Mỗi phút trôi qua, bệnh nhân đột quỵ có nguy cơ mất đi 1,9 triệu tế bào não, theo Hiệp hội Đột quỵ Mỹ (American Stroke Association). Mỗi phút một người bị đau tim không được hồi sức tim phổi sẽ làm giảm 10% cơ hội sống sót.
Theo điều dưỡng Đảng, khi tắc đường, người bệnh là thiệt thòi nhất. Chẳng hạn, nhiều ca ngừng tuần hoàn, phải cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng, dùng thuốc, sốc tim... nhưng xe cấp cứu chưa thể tiếp cận sớm. Nếu người thân không thực hiện đúng kỹ thuật, nguy cơ tai biến rất cao.
Trường hợp chấn thương, đột quỵ, tai biến, nhiều người không biết sơ cứu, khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Nếu không được đến bệnh viện để xử trí nhanh, người bệnh có nguy cơ tử vong hoặc di chứng cả đời. "Do đó, thời gian trong cấp cứu vô cùng quan trọng, bản thân nhân viên y tế cũng vô cùng nóng ruột, lo lắng", anh nói.
Có lần, Đảng nhận thông tin bệnh nhân người nước ngoài, nặng 190 kg, suy hô hấp nặng, ở tầng ba chung cư. Kíp cấp cứu đặt ông trong chăn dày, huy động 9-10 người khênh xuống xe. Người bệnh suy hô hấp, "một giây cũng quý hơn vàng". Tuy nhiên, đường tắc khiến quãng đường đến viện bị kéo dài, điều dưỡng phải theo dõi người bệnh lâu hơn, mắt không rời máy đo chỉ số sinh tồn, lo lắng họ ngừng thở, tử vong. May mắn, bệnh nhân được đưa đến việc kịp thời, qua nguy kịch.
Không chỉ người bệnh bị ảnh hưởng, tắc đường cũng khiến nhân viên y tế căng thẳng hơn. Một nghiên cứu từ Tạp chí Y học Cấp cứu Quốc tế năm 2019 cho thấy họ phải đối mặt với mức độ stress gấp 1,5 lần so với các chuyên ngành khác do áp lực "chạy đua thời gian". Khi giao thông tắc nghẽn, mức độ này tăng vọt, kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần.
Hơn 4 năm lái xe cấp cứu, anh Thường vẫn không tránh khỏi căng thẳng khi chứng kiến bệnh nhân đau đớn, la hét, trong khi người nhà liên tục thúc giục "đi nhanh lên" giữa lúc tắc đường. Có trường hợp còn phàn nàn: "Cấp cứu mà chậm trễ" hay thậm chí đe dọa: "Người nhà làm sao thì chúng mày không yên ổn".
Trước đây, mỗi chuyến cấp cứu chỉ mất khoảng 25-30 phút, nhưng khi tắc đường, thời gian có thể kéo dài 2-3 tiếng. Ngồi lâu trên xe, đội ngũ y tế vừa phải theo dõi sát sao bệnh nhân, vừa động viên người nhà, khiến không khí "căng như dây đàn". Tuy nhiên, ê kíp không thể bộc lộ sự lo lắng ra ngoài, vì điều này có thể khiến gia đình thêm hoảng loạn.
"Nhiều lúc chỉ biết trông cậy vào sự giúp đỡ của người dân. Còi báo hiệu bật liên tục mà cũng không mấy tác dụng", anh Thường chia sẻ.
Để giảm ùn tắc, giới chức Hà Nội cho biết đang phối hợp với cảnh sát giao thông điều chỉnh linh hoạt đèn tín hiệu theo từng khung giờ trong ngày; rà soát và khắc phục những bất cập về hạ tầng, tổ chức giao thông tối ưu hơn.
Trong khi đó, đội cấp cứu 115 đặt nguyên tắc tiên lượng tình trạng bệnh nhân để đưa đến bệnh viện gần nhất. Với tình huống gặp ùn tắc, kíp linh hoạt thay đổi lộ trình, dùng còi ưu tiên, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, hoặc điều xe hỗ trợ thêm; chú ý kiểm soát tình trạng bệnh nhân để tránh diễn biến xấu.
Vào những giờ cao điểm hoặc ngày lễ Tết, các đơn vị điều phối tăng cường thêm xe và nhân lực để đảm bảo tiếp cận nạn nhân nhanh nhất. Nhân viên y tế động viên nhau rèn luyện tinh thần thép để giữ bình tĩnh trong mọi tình huống.
Sau hai chuyến cấp cứu, ê kíp trở về trạm và tranh thủ dùng bữa ăn đầu tiên trong ngày. Anh Thường chợp mắt để hồi phục sức lực. Y sĩ Long xem lại hồ sơ bệnh nhân, trong khi anh Đảng chăm chú vào chiếc điện thoại.
"Chỉ cần có cuộc gọi, chúng tôi lập tức lên đường, cố gắng hết sức để đến với bệnh nhân trong thời gian ngắn nhất", anh Đảng cho hay.
Thùy An
Đọc bài gốc tại đây.