Trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo từ thực vật, protein từ trứng, đậu, thịt gia cầm chứa nhiều dưỡng chất tăng cường sức khỏe, giảm nguy cơ ung thư bàng quang.
Không có chế độ ăn cụ thể nào giúp ngăn ngừa ung thư bàng quang. Với người đã được chẩn đoán mắc ung thư bàng quang, nhu cầu dinh dưỡng phụ thuộc vào tình trạng bệnh, tác dụng phụ khi điều trị. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy một số chế độ ăn uống nhất định có thể giảm nguy cơ mắc ung thư này.
Ví dụ, theo một đánh giá tổng hợp năm 2022 đăng trên tạp chí BMC Public Health, chế độ ăn Địa Trung Hải hỗ trợ bảo vệ cơ thể chống lại ung thư bàng quang. Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) khuyến nghị mọi người nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm các loại thực phẩm sau:
Trái cây
Trái cây cung cấp cho cơ thể các loại vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa quan trọng trong quá trình điều trị ung thư. Tuy nhiên, mọi người nên lựa chọn các loại trái cây phù hợp với tình trạng sức khỏe. Ví dụ, trái cây giàu chất xơ như táo và quả mọng thúc đẩy nhu động ruột đều đặn, phù hợp cho người bị táo bón. Trái cây ít chất xơ như chuối hữu ích cho người bị tiêu chảy. Một nghiên cứu năm 2022 của các nhà khoa học Hà Lan cho thấy táo, lựu, nam việt quất, trái cây họ cam quýt giảm nguy cơ ung thư bàng quang.
Rau
Ngoài cung cấp vitamin và khoáng chất, một số loại rau còn giàu chất chống oxy hóa. Bông cải xanh, cải brussels, cải xoăn chứa các chất hóa học thực vật làm chậm sự phát triển của một số loại ung thư.
Một nghiên cứu quốc tế năm 2021 trên gần 556.000 người đã tìm thấy mối liên hệ giữa lượng rau tổng thể và rau không chứa tinh bột với việc giảm nguy cơ mắc ung thư bàng quang ở phụ nữ. Các loại rau không chứa tinh bột có lợi bao gồm atiso, măng tây, ngô non, củ cải đường, cải brussels, súp lơ xanh và trắng, bắp cải, cà rốt, dưa chuột, cà tím, rau xanh, tỏi tây, nấm, hành tây, củ cải, xà lách, bí, cà chua.
Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt có nhiều chất dinh dưỡng và chất xơ hơn ngũ cốc tinh chế. Một nghiên cứu quốc tế năm 2020 trên gần 575.000 cho thấy ăn ngũ cốc nguyên hạt và chất xơ, dù riêng lẻ hay kết hợp, đều có thể làm giảm nguy cơ ung thư bàng quang. Ít nhất một nửa số ngũ cốc mà mọi người tiêu thụ nên là ngũ cốc nguyên hạt.
Các nguồn protein
Protein là thành phần thiết yếu trong chế độ ăn uống giúp cơ thể phát triển và phục hồi, duy trì hoạt động của cơ xương. Ăn đủ protein rất quan trọng trong quá trình điều trị ung thư nhằm duy trì mức năng lượng và chống nhiễm trùng, nhất là khi người bệnh dễ bị mất cảm giác thèm ăn và buồn nôn.
Các nguồn thực phẩm giàu protein như sữa, trứng, thịt, gia cầm, cá, đậu. Mọi người nên ăn khoảng 0,8 g protein trên mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Ví dụ, một người nặng 80 kg cần khoảng 64 g protein mỗi ngày. ACS khuyến nghị nên chọn thực phẩm giàu protein như cá, gia cầm và đậu nhiều hơn thịt đỏ.
Chất béo có lợi
Cơ thể sử dụng chất béo, protein và carbohydrate để tạo năng lượng dưới dạng calo và lưu trữ thêm calo để duy trì làn da, mái tóc và cách nhiệt cho cơ thể. Có hai loại chất béo lành mạnh chính là chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa.
Thực phẩm từ thực vật như các loại hạt, quả bơ, dầu ôliu và dầu cải chứa chất béo không bão hòa đơn. Chất béo không bão hòa đa có trong thực phẩm từ động vật và thực vật như các loại hạt, cá hồi, dầu thực vật. Một nghiên cứu quốc tế năm 2022 cho rằng tiêu thụ nhiều chất béo không bão hòa đơn và dầu thực vật làm giảm nguy cơ ung thư bàng quang ở phụ nữ.
Nước
Theo ACS, uống nhiều chất lỏng có thể làm giảm nguy cơ ung thư bàng quang. Người uống đủ chất lỏng hàng ngày, nhất là nước, thường có tỷ lệ mắc ung thư bàng quang thấp hơn. Điều này có thể là do họ đi tiểu thường xuyên hơn, ngăn ngừa hóa chất tồn đọng trong bàng quang thời gian dài. Hạn chế hoặc tránh ăn nhiều thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, đồ uống có đường, ngũ cốc tinh chế, rượu.
Theo Tổ chức ghi nhận Ung thư thế giới (Globocan), ung thư bàng quang là ung thư phổ biến thứ 9 trên toàn thế giới và thứ hai trong hệ tiết niệu. Tại Việt Nam năm 2022, có gần 2.000 ca mắc mới và hơn 1.000 trường hợp tử vong vì loại ung thư này. Nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ, nhưng người có thói quen hút thuốc lá, từng bị nhiễm ký sinh trùng, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại hay bức xạ... có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Các dấu hiệu ban đầu của ung thư bàng quang khó nhận biết. Mọi người đi khám sớm khi có triệu chứng tiểu máu từng đợt, tái phát nhiều lần, tiểu buốt, tiểu rắt, cơ thể mệt mỏi, chán ăn, sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân.
Anh Ngọc (Theo Medical News Today)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |
Đọc bài gốc tại đây.