Độ tuổi nên tầm soát ung thư cổ tử cung

16/01 15:00
 

Nữ giới từ 21 tuổi trở lên nên tầm soát ung thư cổ tử cung, sau đó xét nghiệm lại sau mỗi ba năm để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường.

Ngoài gây vô sinh, ung thư cổ tử cung là một trong ba bệnh lý dẫn đến tử vong hàng đầu ở nữ giới nếu không điều trị kịp thời. Hầu hết trường hợp bệnh do virus u nhú ở người (HPV) gây ra. Virus có thể lây từ người này sang người khác khi quan hệ tình dục, tiếp xúc da kề da, vật chứa HPV như đồ bơi, đồ vải, dụng cụ khám phụ khoa... hoặc truyền từ mẹ sang con khi sinh thường.

Bác sĩ Hoàng Mỹ Kim, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết ung thư cổ tử cung thường không biểu hiện rõ triệu chứng. Người bệnh có dấu hiệu đau rát vùng chậu, âm đạo tiết dịch và chảy máu bất thường, khó tiểu, sụt cân... đồng nghĩa tế bào ung thư di căn lan rộng. Nếu chủ động phòng ngừa, tầm soát, phát hiện sớm, ung thư tử cung có thể được chữa khỏi. Hiện xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung Pap Smear hoặc Thinprep và xét nghiệm HPV, kết hợp kiểm tra vùng chậu là cách tốt nhất sàng lọc bệnh.

Tầm soát ung thư cổ tử cung thường được khuyến nghị cho phụ nữ từ 21 tuổi trở lên. Phụ nữ 21-29 tuổi cần làm xét nghiệm Pap hoặc Thinprep, sau đó xét nghiệm lại sau mỗi ba năm. Xét nghiệm HPV chưa cần thiết ở giai đoạn này. Trường hợp kết quả Pap hoặc Thinprep bất thường mới cần làm thêm xét nghiệm HPV. Nếu kết quả dương tính với virus HPV, ung thư có thể không phát triển ít nhất 10 năm sau đó.

Phụ nữ 30-65 tuổi có thể kết hợp kiểm tra cả hai loại xét nghiệm sau mỗi 5 năm, xét nghiệm Pap hoặc Thinprep mỗi ba năm hoặc xét nghiệm HPV mỗi 5 năm nếu không có triệu chứng bất thường. Bác sĩ cũng có thể chỉ định khám sàng lọc ung thư tùy theo tình trạng sức khỏe.

Người trên 65 tuổi đã khám sàng lọc thường xuyên trong suốt 10 năm, nếu kết quả an toàn, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ ngừng sàng lọc. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, người bệnh vẫn có thể sàng lọc sau giai đoạn này.

Người có nguy cơ cao như tiền sử nhiễm HPV, tổn thương tiền ung thư, hệ miễn dịch suy yếu (nhiễm HIV, ghép tạng, dùng thuốc ức chế miễn dịch), sử dụng hormone thay thế cần tầm soát theo lịch trình do bác sĩ chỉ định. Phụ nữ sau phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn không cần thiết sàng lọc. Người đã tiêm vaccine phòng HPV vẫn cần tầm soát kiểm tra cổ tử cung thường xuyên.

Kết quả xét nghiệm sàng lọc cổ tử cung có thể không rõ ràng, do ảnh hưởng của virus HPV, nhiễm trùng, mang thai, sử dụng thuốc tránh thai hoặc thay đổi lối sống. Lúc này các tế bào gần giống bình thường, có khả năng tự mất đi mà không cần điều trị. Nữ giới sẽ cần xét nghiệm xác định lại trong vòng 6 tháng.

Trường hợp bất thường không phải lúc nào cũng là ung thư. Bác sĩ chỉ định thêm các xét nghiệm và điều trị để xác định những thay đổi tế bào này có trở thành ung thư sau đó hay không.

Bác sĩ Kim lưu ý trước khi làm các xét nghiệm, phụ nữ không quan hệ tình dục, thụt rửa âm đạo hoặc sử dụng các sản phẩm kem, gel, thuốc đặt... trong vòng 2-3 ngày. Thực hiện xét nghiệm sau khi sạch kinh nguyệt 5 ngày. Nếu mắc các bệnh viêm nhiễm vùng kín, cần điều trị dứt điểm trước khi thực hiện xét nghiệm sàng lọc. Sự hiện diện của nhiễm trùng, kinh nguyệt có thể che khuất hoặc cản trở khả năng hiển thị của các tế bào. Nếu kết quả bất thường, hãy tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về các xét nghiệm bổ sung hoặc tần suất kiểm tra.

Để phòng ngừa bệnh, nữ giới cần ngừng hút thuốc hoặc tránh tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, lối sống sinh hoạt, rèn luyện thể dục thể thao tích cực để hỗ trợ hệ miễn dịch. Tiêm phòng vaccine HPV được khuyến cáo cho cả nam và nữ 9-45 tuổi, tốt nhất là trước khi bắt đầu quan hệ tình dục. Nếu có các triệu chứng như xuất huyết âm đạo không rõ nguyên nhân, đau vùng chậu, tiết dịch âm đạo bất thường, nữ giới cần đi khám ngay.

Trịnh Mai

Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc bài gốc tại đây.