Đột phá trong khám chữa bệnh nhờ AI

27/01 06:00
 

Công nghệ trí tuệ nhân tạo ( AI ) đã trở thành một cuộc cách mạng công nghệ, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực. Trong đó, y tế...

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một cuộc cách mạng công nghệ, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực. Trong đó, y tế được xem là ngành hưởng lợi nhiều nhất từ AI nhờ những ứng dụng tiên tiến.

Cách mạng trong khám chữa bệnh nhờ AI

AI đang thay đổi cách thức hoạt động trong y tế, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí cho người bệnh. Tại Việt Nam, nhiều bệnh viện đã áp dụng AI để tối ưu hóa quy trình khám chữa bệnh.

Trò chuyện với phóng viên Lao Động, bà Ngọc Lương, 67 tuổi, tỉnh Nam Định kể lại việc cuối tháng 12.2024 bà tới Bệnh viện Bạch Mai khám dạ dày. Nỗi ám ảnh nhất của bà khi đi bệnh viện là chờ đợi, làm các thủ tục… khám bệnh. Tuy nhiên, lần này mọi thủ tục diễn ra nhanh chóng, khiến bà vô cùng bất ngờ. “Con gái tôi đã đăng ký lịch khám qua điện thoại nên không phải chờ đợi lâu. Khác với những lần trước tôi phải ngồi chờ lấy kết quả xét nghiệm đến gần trưa, nhưng hôm đó 9h30 sáng đã nhận được tin nhắn SMS của bệnh viện (qua điện thoại báo) đã có kết quả xét nghiệm", bà Lương chia sẻ.

PGS.TS.BS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, hệ thống AI phân tích hình ảnh X-quang đã giúp chẩn đoán nhanh chóng hơn, nhanh chóng khoanh vùng khu vực nghi ngờ bất thường. Điều này giúp các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đọc nhanh hơn, chính xác hơn và tránh bỏ sót tổn thương. Từ tháng 11.2024, bệnh viện cũng đã triển khai bệnh án điện tử, cho phép người bệnh đăng ký khám qua ứng dụng di động, nhờ đó giảm thời gian người bệnh phải chờ đợi.

Ngoài Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cũng đã ứng dụng AI để chụp X-quang nhanh trong 20 giây. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương triển khai AI kiểm soát gây mê, còn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đầu tư AI trong chẩn đoán hình ảnh và thụ tinh ống nghiệm, đặc biệt trên các hệ thống chụp cắt lớp hiện đại, cho phép tạo ra hình ảnh độ phân giải cao, hỗ trợ bác sĩ phát hiện chính xác tổn thương ở các vị trí khó quan sát.

Tại Bệnh viện K, GS.TS.BS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện - chia sẻ, bệnh viện đã ứng dụng AI kết hợp phẫu thuật robot điều trị ung thư gan. Phương pháp này giúp xâm lấn tối thiểu, giảm tổn thương, bệnh nhân hồi phục nhanh. Như trường hợp bệnh nhân nữ 67 tuổi mắc ung thư gan với khối u kích thước 4x5 cm. Bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt gan hạ phân thùy II bằng robot và sau mổ, tình trạng sức khỏe ổn định. Phẫu thuật bằng robot mang lại nhiều lợi ích so với phương pháp mổ mở truyền thống, như hình ảnh quan sát rõ nét, độ linh hoạt cao, giảm thiểu tổn thương...

Tạo ra đột phá cho ngành y tế

Phân tích về những lợi ích mà AI đang mang lại cho lĩnh vực y tế, GS Phạm Minh Thông - Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam - cho hay, trong y tế, chẩn đoán hình ảnh là lĩnh vực hàng đầu ứng dụng AI. AI giúp chẩn đoán nhanh và chính xác hơn nhờ khả năng tích hợp dữ liệu đa chiều. Ngoài chẩn đoán, AI còn được ứng dụng trong tư vấn sức khỏe, hỗ trợ phát triển thuốc mới và tối ưu hóa quản lý bệnh án.

PGS.TS Trần Quý Tường - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế), Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam - nhấn mạnh: Việc áp dụng Công nghệ thông tin, đặc biệt là AI, không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ y tế mà còn hiện đại hóa và đưa ngành y tế Việt Nam lên tầm cao mới. Việc ứng dụng AI trong y tế tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, với nhiều tiềm năng to lớn. AI được sử dụng để phân tích hình ảnh y tế như CT, X-quang và điện não đồ nhằm chẩn đoán bệnh tật, cũng như đánh giá khả năng lây lan của các bệnh nhân có nguy cơ cao đối với sức khỏe cộng đồng.

Tư vấn sức khỏe và hỗ trợ bác sĩ: Nhiều ứng dụng và chatbot AI đã được phát triển để tư vấn sức khỏe ban đầu, giúp bệnh nhân nhận biết các triệu chứng cơ bản và hướng dẫn họ đến cơ sở y tế phù hợp.

AI cũng giúp phát triển thuốc và nghiên cứu y khoa. AI đang dần được sử dụng trong việc phân tích dữ liệu y học, hỗ trợ phát triển các loại thuốc mới với thời gian và chi phí thấp hơn.

Các bệnh viện và cơ sở y tế tại Việt Nam cũng tận dụng AI để quản lý hệ thống đặt lịch, theo dõi bệnh án và giảm tải công việc hành chính. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn giúp cải thiện trải nghiệm của bệnh nhân.

Tuy nhiên, việc ứng dụng AI trong y tế tại Việt Nam vẫn đối mặt với một số thách thức, đặc biệt liên quan đến chi phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Dù vậy, với sự nỗ lực của các chuyên gia và sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, AI hứa hẹn sẽ mang lại những bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe cho người dân.

(Bài đăng trên Ấn phẩm đặc biệt Lao Động Xuân Ất Tỵ)

Đọc bài gốc tại đây.