Các nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số năm 2026 sẽ được hướng dẫn lập kế hoạch theo Luật mới, ưu tiên định...
Các nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số năm 2026 sẽ được hướng dẫn lập kế hoạch theo Luật mới, ưu tiên định hướng trọng tâm và hiệu quả thực tiễn.
Ngày 25.7, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) cho biết, đã tổ chức thành công Hội nghị hướng dẫn xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách năm 2026 trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KH, CN, ĐMST và CĐS).
Đây là hội nghị có ý nghĩa đặc biệt, diễn ra đúng vào thời điểm các bộ, ngành và địa phương bắt đầu chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới sau năm 2025.
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh, năm 2026 sẽ là năm đầu tiên triển khai đồng bộ các quy định tại Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo vừa được Quốc hội thông qua. Luật này đánh dấu bước tiến quan trọng khi lần đầu tiên tích hợp 3 trụ cột: khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành một hệ thống chính sách thống nhất. Cùng với đó, các định hướng lớn từ Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 193/2025/QH15 của Quốc hội.
Tuy nhiều địa phương thời gian qua đã gắn kết KH, CN, ĐMST và CĐS với phát triển kinh tế - xã hội và xuất hiện các mô hình sáng tạo có hiệu quả, nhưng theo Thứ trưởng, những lĩnh vực này vẫn chưa trở thành động lực trung tâm cho phát triển.
Các rào cản về thể chế, nguồn lực, nhân lực và hạ tầng dù đang được tháo gỡ nhưng vẫn là thách thức lớn. Tỉ lệ đầu tư cho KHCN trong tổng chi Ngân sách nhà nước đã tăng nhưng phân bổ giữa các lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS vẫn chưa hợp lý. Một số bộ ngành, địa phương còn lúng túng trong lồng ghép dự toán, chưa tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới công nghệ và chưa tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ từ trung ương.
Cũng bởi vậy, tại hội nghị, Bộ KHCN công bố công văn hướng dẫn xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách năm 2026. Nội dung trọng tâm là lập kế hoạch theo hướng ưu tiên trọng tâm, trọng điểm, tăng tính thực tiễn, sát với yêu cầu từ cơ sở. Các nhiệm vụ cần gắn với các chiến lược quốc gia như: AI, công nghiệp bán dẫn, chính phủ số, kinh tế số, dữ liệu mở. Đồng thời, khuyến khích cơ chế phối hợp “ba nhà” - nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, để thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Theo dự báo, nếu được triển khai hiệu quả, KH, CN, ĐMST và CĐS có thể đóng góp tới 5% vào tăng trưởng GDP, trong đó khoa học - công nghệ chiếm 1%, đổi mới sáng tạo 3% và chuyển đổi số 1%.
Bộ KHCN khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các địa phương trong quá trình lập dự toán và phân bổ ngân sách, đảm bảo chính sách đi vào thực chất, tránh hình thức và tạo động lực rõ nét cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
Đọc bài gốc tại đây.