Cầu hẻm núi Huajiang hoàn thành cấu trúc chính hôm 17/1, dự kiến khánh thành vào nửa cuối năm 2025.
Cầu hẻm núi Huajiang ở tỉnh Quý Châu đạt cột mốc quan trọng khi đoạn khung giàn thép cuối cùng nặng 215 tấn được đưa vào vị trí hôm 17/1. Quá trình xây dựng bắt đầu từ năm 2022. Cao 625 m so với sông Bắc Bàn, cầu chính dài 1.420 m gần như ngang bằng với tháp Thượng Hải, tòa nhà cao nhất Trung Quốc. Sau khi hoàn thành, công trình dự kiến vượt qua cầu Bắc Bàn Giang, cũng thuộc tỉnh Quý Châu, để trở thành cầu cao nhất và cầu bắc qua núi có nhịp dài nhất thế giới.
Địa hình gồ ghề của Quý Châu đã thúc đẩy nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng cầu thật tốt để hỗ trợ mạng lưới giao thông. Là một phần quan trọng của đường cao tốc Lục Chi - An Long, cầu hẻm núi Huajiang giúp rút ngắn thời gian di chuyển qua hẻm núi từ khoảng một giờ xuống chỉ còn hai phút. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy du lịch địa phương, thu hút thêm du khách đến những điểm tham quan gần đó như thác Hoàng Quả Thụ nổi tiếng.
"Việc hoàn thành cầu hẻm núi Huajiang sẽ củng cố liên kết kinh tế giữa Quý Dương, An Thuận và Kiềm Tây Nam, thúc đẩy hội nhập kinh tế trong vùng", Chen Jianlei, phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quý Châu, cho biết.
Cấu trúc khung giàn thép, yếu tố chịu tải chính của cầu, gồm 93 đoạn và nặng tổng cộng khoảng 22.000 tấn - tương đương trọng lượng của ba tháp Eiffel. Quá trình xây dựng gặp nhiều thách thức do địa hình gồ ghề của hẻm núi Huajiang và thời tiết thất thường, ví dụ như gió, độ ẩm và nhiệt độ biến động.
Để vượt qua những trở ngại này, nhóm dự án sử dụng hệ thống cẩu cáp thông minh do Trung Quốc phát triển. Cẩu cáp trang bị hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu, cho phép nâng vật liệu chính xác chỉ với một nút bấm. "Khi các tọa độ được nhập vào, hệ thống tự động đưa cẩu đến vị trí chỉ định, giúp giảm khối lượng công việc cho người vận hành. Trong khi các hoạt động cẩu cáp truyền thống cần 8 công nhân, chúng tôi giảm xuống chỉ còn 4", Li Zhao, kỹ sư trưởng của dự án, cho biết.
Quá trình xây dựng cũng ứng dụng những công cụ quản lý kỹ thuật số như giám sát nguyên vật liệu theo thời gian thực, mô phỏng ảo để căn chỉnh các bộ phận, theo Liang Junyuan, quản lý dự án tại chi nhánh tây nam của Tập đoàn Cầu Baoji Đường sắt Trung Quốc.
Nhóm dự án sử dụng công nghệ quét 3D và mô phỏng ảo để phát hiện nguy cơ va chạm của các bộ phận, đảm bảo độ chính xác trong quá trình xây dựng. "Khi lắp ráp tại chỗ, chúng tôi tuân theo trình tự định trước, đạt độ chính xác 100% trong việc căn chỉnh bulông với lỗ chỉ định", Li bổ sung.
Hiện khoảng 80% công trình đã hoàn thành. Nhóm dự án sẽ sớm chuyển trọng tâm sang lắp đặt các tấm giữa khung giàn sau Tết Nguyên đán, đảm bảo đúng tiến độ khánh thành cầu trong năm nay.
Thu Thảo (Theo ECNS)
Đọc bài gốc tại đây.