Mỹ cấm dịch vụ băng thông rộng của Trung Quốc

26/04 19:00
 

Mỹ yêu cầu các công ty viễn thông của Trung Quốc ngừng cung cấp dịch vụ băng thông rộng tại nước này với lý do an ninh quốc gia.

Ngày 25/4, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) cho biết đã yêu cầu các công ty viễn thông Trung Quốc, gồm China Telecom, China Unicom, China Mobile, Pacific Networks và công ty con ComNet, ngừng hoạt động Internet băng thông rộng cố định hoặc di động tại Mỹ. Lệnh cấm có hiệu lực trong 60 ngày.

Reuters dẫn lời Chủ tịch FCC Jessica Rosenworcel rằng Ủy ban có bằng chứng các nhà mạng viễn thông Trung Quốc đang cung cấp dịch vụ băng thông rộng tại Mỹ và bày tỏ sự lo ngại về an ninh quốc gia.

Các công ty viễn thông Trung Quốc chưa đưa ra bình luận.

Ủy viên FCC Geoffrey Starks cho biết trang web của China Telecom cho thấy công ty vận hành 26 "điểm hiện diện" (POP) Internet tại Mỹ và cung cấp dịch vụ cho thuê nơi đặt máy chủ, băng thông rộng, IP transit và trung tâm dữ liệu. Ông Starks cho biết: "Chính phủ Trung Quốc thường tiếp cận các POP, kết nối với các mạng khác và có quyền truy cập vào trung tâm dữ liệu quan trọng".

Theo SCMP, đây là hành động mới nhất của Washington nhằm hạn chế các nhà mạng viễn thông Trung Quốc, bao gồm cả các tuyến cáp dưới biển xử lý lưu lượng truy cập Internet.

Trước đó, ngày 25/11/2022, Mỹ công bố lệnh cấm nhập khẩu hoặc bán thiết bị liên lạc bị coi là "có nguy cơ không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia", trong đó có sản phẩm của Huawei và ZTE. Hai tập đoàn này đều nằm trong danh sách doanh nghiệp bị FCC liệt kê là mối đe dọa. Quy định mới cũng cấm cấp phép tại Mỹ các thiết bị của Huawei và ZTE trong tương lai. Đây là một trong các hành động pháp lý nhằm hạn chế quyền tiếp cận của các công ty Trung Quốc với mạng lưới viễn thông của Mỹ, diễn ra trong bối cảnh bế tắc kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Khương Nha

Đọc bài gốc tại đây.