Khu rừng bị chôn vùi hàng nghìn năm dưới lớp băng ở Yellowstone hình thành khi thời tiết ấm áp và tàn lụi do hoạt động núi lửa khiến nhiệt độ giảm mạnh.
Tàn tích hóa thạch của những cây thông vỏ trắng bên dưới một mảng băng tan chảy ở vùng Yellowstone từng là một phần của khu rừng cổ đại sinh sôi hàng thế kỷ trước khi biến mất. Khu rừng bắt đầu suy tàn cách đây khoảng 5.500 năm do nhiệt độ mùa hè giảm. Điều này biến đổi khung cảnh phủ đầy cây xanh trên núi cao thành vùng lãnh nguyên ngày nay, Newsweek hôm 16/1 đưa tin.
"Chúng tôi rất bất ngờ khi khu rừng cổ đại được bảo quản suốt hàng nghìn năm", Dave McWethy, trợ lý giáo sư ở khoa Khoa học Trái Đất tại Đại học Montana, cho biết.
McWethy nghiên cứu tàn tích của khu rừng hình thành ở độ cao 3.048 m khoảng 6.000 năm trước khi nhiệt độ ở hệ sinh thái Greater Yellowstone tương tự mức hiện nay. Khi hoạt động núi lửa ở Bắc bán cầu khiến nhiệt độ sụt giảm mạnh, những cây thông trong rừng bị kẹt trong băng và giữ nguyên tình trạng đó cho tới khi rã đông trong vài năm gần đây.
Nhiều mảng băng trên cao nguyên Beartooth sẽ biến mất trong vòng vài thập kỷ hoặc sớm hơn. Nước giải phóng từ tuyết tan có thể dẫn tới thay đổi đối với động thực vật sống ở thung lũng bên dưới. Theo McWethy, khi hệ sinh thái phản ứng với sự tan chảy của mảng băng và quá trình ấm lên của cao nguyên, nhiều khả năng cây cối và cây bụi thân gỗ sẽ di chuyển lên dốc. Điều này có thể thay đổi động lực học hỏa hoạn trong vùng, tạo ra tình huống mới khiến các đám cháy trở nên dữ dội và lớn hơn trước.
"Chúng tôi ghi nhận cây cối bắt đầu dịch lên dốc nhằm phản ứng với nhiệt độ ấm lên. Một số yếu tố sẽ quyết định những khu rừng sẽ chuyển lên dốc khi nào và ở đâu theo thời gian, chẳng hạn đất khô hơn, gió và tuyết có thể hạn chế cây cối ở một số vùng", McWethy chia sẻ.
Đó là một nguy cơ bởi khi mảng băng tan, thông tin về nền văn hóa, khí hậu và môi trường trong quá khứ sẽ biến mất trừ khi giới khoa học có thể thu thập trước. McWethy nhấn mạnh phát hiện về khu rừng có thể giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu nhiều hơn về hệ thống khí hậu vùng núi cao và cách chúng phản ứng với thay đổi nhanh chóng và dài hạn của khí hậu.
An Khang (Theo Newsweek)
Đọc bài gốc tại đây.