Tàu Resilience mang theo 5 thiết bị khoa học, còn tàu Blue Ghost mang theo 10 thiết bị khoa học của NASA lên Mặt trăng.
Ngày 15-1, Tập đoàn công nghệ khai phá không gian SpaceX đã phóng 2 tàu đổ bộ của Mỹ và Nhật Bản lên Mặt trăng, trong bối cảnh các công ty toàn cầu đang chạy đua nghiên cứu bề mặt "chị Hằng".
Tên lửa Falcon 9 của SpaceX cùng tàu đổ bộ lên Mặt trăng Blue Ghost của công ty tư nhân Firefly Aerospace (Mỹ) và tàu vũ trụ Resilience của công ty iSpace (Nhật Bản) đã cất cánh từ Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA ở bang Florida.
Tàu Resilience mang theo 5 thiết bị khoa học, trong đó có một thiết bị điện phân nước, một module sản xuất thực phẩm thử nghiệm, một robot tự hành nhỏ mang tên "Tenacious".
Robot tự hành này cao 26cm, do chi nhánh của ispace tại Luxembourg phát triển, có nhiệm vụ khám phá bề mặt Mặt trăng và thu thập dữ liệu. Tàu dự kiến hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng vào khoảng tháng 5-6 tới.
Trong khi đó, tàu đổ bộ Blue Ghost mang theo 10 thiết bị khoa học của NASA, tập trung vào nghiên cứu bụi Mặt trăng, đặc điểm địa vật lý và tác động của thời tiết không gian.
Theo kế hoạch, tàu Blue Ghost sẽ đáp xuống Mặt trăng vào khoảng ngày 2-3 tới. Nếu thành công, tàu đổ bộ do ispace tự phát triển sẽ là tàu đổ bộ đầu tiên của một công ty tư nhân Nhật Bản hạ cánh xuống Mặt trăng.
Mục tiêu của công ty khởi nghiệp này là thiết lập một dịch vụ vận chuyển giữa Trái đất và Mặt trăng. Tháng 4-2023, công ty đã thực hiện nỗ lực đầu tiên nhằm đưa tàu đổ bộ của họ hạ cánh xuống Mặt trăng, song thất bại khi gần đến đích.
Tháng 2-2024, Intuitive Machines của Mỹ đã trở thành công ty tư nhân đầu tiên đưa tàu đổ bộ hạ cánh thành công trên Mặt trăng.
Đọc bài gốc tại đây.