Trung Quốc và Đông Nam Á tổng tấn công lừa đảo viễn thông, hơn 70.000 người bị bắt

22/01 20:33
 

Chỉ trong 5 tháng cuối năm ngoái, chiến dịch Hải Âu có sự phối hợp giữa Trung Quốc với các nước khu vực Mekong đã bắt giữ hơn 70.000 nghi phạm lừa đảo.

Ngày 22-1, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đưa tin Trung tâm Hợp tác thực thi pháp luật Mekong - Lan Thương (LMLECC) đã tổ chức cuộc họp tổng kết chiến dịch "Hải Âu" tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ngày 21-1.

Hội nghị đã công bố kết quả đáng chú ý của chiến dịch kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12-2024 đối phó với tội phạm lừa đảo viễn thông, buôn lậu vũ khí và đạn dược. Chiến dịch có sự phối hợp của cơ quan thực thi pháp luật sáu quốc gia gồm Campuchia, Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Myanmar và Thái Lan.

Theo báo cáo tổng kết, hơn 70.000 nghi phạm đã bị bắt giữ trong khuôn khổ chiến dịch Hải Âu. LMLECC cho biết sẽ sớm triển khai giai đoạn hai của chiến dịch, tiếp tục tập trung vào việc triệt phá các hoạt động lừa đảo qua mạng và các nhóm tội phạm phát sinh từ đó.

Tại hội nghị LMLECC, đại diện các quốc gia đã chỉ ra rằng các vụ cờ bạc trực tuyến và lừa đảo qua mạng liên tiếp xảy ra dọc biên giới Thái Lan - Myanmar đang gây ra mối đe dọa lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích thiết yếu của người dân trong khu vực. 

Các bên tham gia đều nhận thức rõ tính nghiêm trọng của vấn đề và cam kết tăng cường hợp tác để giải quyết triệt để

Ngoài ra, chính quyền Myanmar cũng có báo cáo tổng kết về những nỗ lực trong việc đối phó với tội phạm xuyên quốc gia.

Tờ New Light of Myanmar hôm 21-1 đã công bố chi tiết về các hoạt động tội phạm mạng, bao gồm lừa đảo và cờ bạc qua mạng tại Myanmar. 

Kể từ tháng 10-2023, chính quyền Myanmar đã bắt giữ và trục xuất hơn 55.000 người liên quan đến các hoạt động lừa đảo ở biên giới, trong đó hơn 53.000 người đến từ Trung Quốc.

  • Thủ tướng Thái Lan suýt bị lừa chuyển tiền qua điện thoại ra sao?ĐỌC NGAY

Các quốc gia có công dân bị trục xuất bao gồm Việt Nam với hơn 1.000 người và Thái Lan với hơn 600 người. Ngoài ra, những nghi phạm lừa đảo còn lại đến từ khoảng 25 quốc gia khác.

Bên cạnh Myanmar, Thái Lan cho biết nước này cũng đang tiếp tục triển khai các biện pháp trong việc đấu tranh chống lừa đảo viễn thông.

Tờ Bangkok Post hôm 20-1 thông tin Phó thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai cho biết ông này sẽ chủ trì một cuộc họp với các cơ quan chức năng như Bộ Nội vụ, Cảnh sát quốc gia, Cục Kiểm soát ma túy và Cơ quan Chống rửa tiền để thảo luận các biện pháp mới nhằm đối phó với các vấn đề như lừa đảo viễn thông, ma túy và buôn người vào ngày 30-1.

Ông Phumtham cũng nhấn mạnh hiệu quả của chiến dịch này sẽ được đánh giá sau 6 tháng, nếu tình hình không cải thiện, các biện pháp nghiêm ngặt hơn sẽ được áp dụng.

Malaysia đề xuất cơ chế như Interpol trong ASEAN

Tờ Sin Chew Daily của Malaysia ngày 20-1 thông tin Phó thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi đã đề xuất thành lập một nhóm làm việc về tội phạm mạng trong khuôn khổ ASEAN, tương tự như Interpol.

Mục tiêu của nhóm này là thúc đẩy trao đổi thông tin và hợp tác trong khu vực để đối phó với các tội phạm sử dụng công nghệ cao, như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tự động hóa và dark web.

Đọc bài gốc tại đây.